I.  DANH NHÂN VĂN HÓA TRONG LỊCH SỬ

 

LÊ QUÁT (THẾ KỶ XIV)

  Tự là Bá Đạt, hiệu Mai Phong, quê làng Phủ Lý, nay thuộc huyện Thiệu Hóa, làm quan đời nhà Trần đến chức Thượng thư (1366).

  Ông nổi tiếng cả về văn chương và đạo đức. Sách Bản xã tiên hiền ghi ông đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ đệ nhất danh. Ở địa phương cũng truyền tụng ông là Trạng Quát (có giai thoại rất lý thú về chuyện này). Ông là học trò của Chu Văn  An, rất giữ tình nghĩa và phép tắc đối với Thầy.

  Tác phẩm ông chỉ còn lại 7 bài thơ, và một bài văn bia. Ông cực lực công kích Phật giáo, đề cao Nho học.

  Đương thời, và cả sau này nữa, ông và ông Phạm Sư Mạnh rất được đề cao. Phong cách và tài năng Lê Quát và Phạm Sư Mạnh khiến mọi người ca ngợi.

  Con trai Lê Quát là Lê Giốc đỗ Tiến sĩ năm 1334, đánh trận Chiêm Thành, bị bắt, chửi giặc mà chết, được phong là Mạ tặc Trung Vũ hầu.

 

LÊ VĂN LINH (1376 - 1447)

  Có hiệu là Mai Trai, người làng Hải Lịch, huyện Lôi Dương, nay là thôn Đông Phương Hồng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Xuất thân là một thầy giáo nông thôn, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu, có tên trong 18 người dự hội thề Lũng Nhai. Ông cùng với Nguyễn Trãi, là mưu thần của Lê Lợi, có công trong sự nghiệp giải phóng đất nước, được phong tước Khánh Thượng hầu, giữ chức Nhập nội Thiếu phó. Ông có tham gia chiến dịch, cùng Lê Bôi đi đánh Cầm Quí ở châu Ngọc Ma (1435) được toàn thắng.

  Lê Văn Linh là người cứng cỏi, thẳng thắn làm quan ba đời vua Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông. Khi Lê Sát bị giết, chỉ có ông dám can ngăn, mặc dầu vì thế mà bị giáng chức. Sau này, ý kiến của ông là đúng.

  Lê Văn Linh không lưu lại tác phẩm nào. Nhưng sử sách có ghi rằng hồi ở quê làng, ông thấy cọp thường về quấy phá, nên đã làm bài Văn đuổi hổ, làm cho hổ bỏ đi. Câu chuyện tương tự như Hàn Dũ ở Trung Quốc và Hàn Thuyên ở nước ta làm văn đuổi cá sấu. Do tình cờ, hay do nguyên nhân nào đấy mà đuổi được hổ và ông đã trở nên nổi tiếng.

  Gia đình Lê Văn Linh có truyền thống văn học và tham gia chính sự. Các con ông: Lê Hoằng Dục là một nhà thơ, là bạn xướng hoạ với Lê Thánh Tông, có đi sứ Trung Quốc. Lê Cảnh Huy và Lê Năng Nhượng đều làm quan đến Quốc công.

  Nhân dân địa phương vẫn truyền tụng về Lê Văn Linh với tư cách là một thầy giáo. Đa số thanh niên được ông dạy dỗ đã trở thành tướng tài hoặc binh sĩ trong trại Lam Sơn. Vào Như Áng với Lê Lợi, ông cũng được giao việc dạy dỗ con cháu các gia đình nghĩa sĩ. Khi nhà Lê mở nước, tổ chức khoa thi, ông được cử làm Đề điệu (chủ khảo) cùng chấm với Nguyễn Trãi, lấy Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên (1442). Văn bia viết về ông còn cho biết là Nguyễn Trực, Lương Thế Vinh (?) đều là học trò của ông cả.

 

LÊ LAI (? - 1419)

  Có lẽ ông thuộc dân tộc Mường, người thôn Dựng Tú, nay là xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tham gia khởi nghĩa với Lê Lợi, đã tự nguyện thay Lê Lợi ra trận và hy sinh.

  Sau này Lê Lợi có bản Lai công thệ từ, thề mãi mãi nhớ ơn ông. Nhân dân làm lễ cúng thường có câu: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, theo di chúc của Lê Lợi: phải giỗ ông trước khi giỗ vua Lê. Sự hy sinh của Lê Lai là một nét văn hoá đẹp của dân tộc và của Thanh Hoá.

  Lê Thánh Tông gọi gia đình Lê Lai là “toàn gia trung hiếu”. Ba người con trai của ông đều hy sinh: Lê Lư tử trận ở Nghệ An (1425), Lê Lộ ở Trà Lân (1424), con út là Lê Lâm đánh Ai Lao bị trúng tên. Cháu nội của ông (con trai Lê Lâm) là Lê Niệm là một trọng thần, tài kiêm văn võ.

 

LÊ KHÔI (? - 1447)

  Ông là người anh thứ hai của Lê Lợi, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, là một dũng tướng xuất sắc. Suốt ba triều vua, đi đánh dẹp từ Thái Nguyên đến Đồ Bàn đều khải hoàn rực rỡ.

  Ông còn là một nhà chính trị có biệt tài. Năm 1430, được cử vào trấn ở Châu Hoá, bãi trạm gác, bỏ sự nghiêm ngặt, chiêu mộ dân lưu tán, khuyên bảo làm ruộng, trồng dâu. Năm 1443, làm Đốc trấn Nghệ An, dân chúng đều mừng xem việc ông đến là trời giáng phúc cho dân. Năm 1447, vào đánh Đồ Bàn, khi tiến đến cửa Thi Nại, quân Chiêm hỏi: “Có phải ông Tư Mã đấy chăng?”. Ông tiến ra, cất mũ cho tướng Chiêm nhìn rõ mặt, thì tất cả tướng tá và binh sĩ đối phương đều hạ khí giới đầu hàng.

  Sau trận này, ông rút quân về đến cửa biển Nam Giới thì bị bệnh mất, chết ở chân núi Long Ngâm (Hà Tĩnh). Tướng sĩ và dân chúng địa phương kêu khóc vang trời, lập đền thờ ngay dưới chân núi. Lê Thánh Tông sai Thượng thư Nguyễn Như Đỗ lập bia. Đền ở cửa biển, thường gặp nhiều sóng gió nên đến đời Lê Hiển Tông mới rời về Triều Khẩu, Lam Thành, gọi là đền Chiêu Trưng là một đền lớn ở Nghệ An. Ở đây có câu: Đền Cờn, Đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng.

  Lê Thánh Tông làm bài thơ Minh lương, ca ngợi triều Lê có vua sáng tôi hiền, đã nhắc đến Lê Khôi, hai câu thực của bài thơ viết:

                                      c Trai tâm thượng quang Khuê tảo,

                                      Vũ Mục hung trung liệt giáp binh.

  Câu trên là chỉ về Nguyễn Trãi: “Văn chương Nguyễn Trãi lòng soi sáng”. Còn câu dưới chỉ vào Lê Khôi, vì ông được tôn tên thuỵ là Vũ Mục Công. Nhà vua đề cao tài năng, võ nghiệp của ông là:

                                      Binh giáp Lê Khôi bụng chứa đầy.

 

LÊ NIỆM (? - 1486)

  Ông là cháu nội của Lê Lai, con của Lê Lâm, do chân ấm tử được làm việc trong triều, dần dần đảm đương nhiều việc lớn. Năm 1449, làm an phủ phó sứ An Bang, giữ gìn biên trấn vững vàng. Ông cũng có công, đánh Chiêm Thành, bắt được Trà Toàn ở Đồ Bàn, Trà Toại ở Quảng Nam. Năm 1480, lại đi đánh Bồn Man, đuổi Cầm Công, thanh thế lẫy lừng.

  Ông có công lật đổ Nghi Dân, tôn Lê Thánh Tông lên ngôi, rồi được làm quan đến Bình chương quân quốc trọng sự (1468).

  Lê Niệm có trình độ học vấn uyên bác, thường xướng hoạ thơ với Lê Thánh Tông. Năm 1463, phụ trách trường Quốc Tử giám; năm 1464, là đề điệu (Chánh chủ khảo) kỳ thi Hội.

  Sách Lịch triều hiến chương đánh giá ông trong đời Quang Thuận, Hồng Đức: “Kể đến người văn võ đều giỏi, công danh toàn vẹn thì không ai bằng Lê Niệm”.

  Mặc dầu công lao to lớn, làm tể tướng coi việc trị nước gần 30 năm, Lê Niệm vẫn là người khiêm tốn, thanh đạm, không thích khoe khoang. Tại nhà ở ông treo cái biển, đề hai chữ Thuyền hiên, để tỏ chí cao thượng của mình.

  Ông cũng được dân chúng ngoài tỉnh Thanh thờ làm thành hoàng (như ở làng Phượng Trì - Ninh Bình, quê hương của Vũ Phạm Khải).

 

NGUYỄN MẬU TUYÊN (1517 - 1599)

Ông người làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, nay là huyện Thọ Xuân. Không rõ công phu học hành, chỉ biết là từ lúc trẻ đã ra giúp Trịnh Kiểm để khôi phục nhà Lê, làm quan đến Thị lang. Năm 1570, lại giúp Trịnh Tùng chống lại Trịnh Cối, chuyển sang chức Đô ngự sử khi đánh thắng Mạc, ông được thăng Thượng thư bộ Lại rồi thiếu phó Quỳnh quận công.

Ông có tài chính sự, phụ trách nhiều bộ: Công, Hộ, Lại, Binh, giải quyết được nhiều việc khó khăn cho triều đình. Ông đã chủ trì kỳ thi Hội, lấy Nguyễn Thực đỗ đình nguyên hoàng giáp, cùng với 5 người đồng khoa, được dư luận khen là biết chọn nhân tài.

Sách Lịch triều hiến chương nói: “Ông có học vấn rộng rãi, phẩm hạnh thuần hậu làm khuôn phép cho trăm quan, đứng đầu danh thần thời trung hưng”. Khi mất, được tên thuỵ là Trung Cần.

 

BÙI KHẮC NHẤT (1533 - 1609)

Quê làng Bột Thái, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, Bùi Khắc Nhất là con trai cả giám sinh Bùi Doãn Hiệp và mẹ là bà Đỗ Thị Sy.

Mồ côi cả cha mẹ từ sớm, ông được học trò của cha nuôi nấng. Cả hai anh em chăm chỉ học tập, đỗ Hương cống, rồi đỗ Bảng nhãn năm 33 tuổi. Được vua Lê tín nhiệm, ông giữ nhiều trọng trách trong triều, lên đến Hộ bộ rồi Binh bộ Thượng thư. Có câu đối khái quát được cuộc đời và sự nghiệp:

Tứ thập tứ tải truyền lao, sự kinh lục bộ

Thất thập, thất niên hưởng thọ, sĩ lịch tam triều.

Nghĩa là:

Việc qua sáu bộ, bốn mươi tư năm sức hiếm,

Quan trải ba triều, bảy mươi bảy tuổi trời cho

Bốn mươi năm làm quan, trải ba triều, sáu bộ, ở con người ông luôn rạng toả một nhân cách lớn. Ông ghét thói xu nịnh nạn tham nhũng, hối lộ, luôn giữ cho mình một cuộc sống trong sạch. Nhiều việc làm của ông còn để tiếng thơm.

Ông nổi tiếng vì đức tính thanh liêm: trả lại đôi hoa tai người cùng huyện đem đến hối lộ, khước từ vàng lụa quà cáp, rất công bình xét đoán không để nạn nhân bị hàm oan. Ông có câu nói rất hay: “Mệnh con người rất trọng, phép nước không được để tư tình mà can thiệp vào công lý”.

Ông được nhân dân địa phương thờ làm phúc thần. Đầu thế kỷ, truy tặng là thượng đẳng thần.

 

LÊ BẬT TỨ (1562 - 1627)

Người xã Cổ Định, nay là xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn. Đỗ Hoàng giáp (1598), làm quan đầu đời Lê Trung Hưng, có đi sứ Trung Quốc (1608),  rồi làm đến Thượng thư bộ Binh. Khi mất tặng tước Thái bảo, Diễm quận công.

Ông có tài chính sự, luôn luôn đưa ra những phương sách, đề nghị nhà vua, nhà chúa (lúc này là Trịnh Tùng) chấn chỉnh việc cai trị. Liên tiếp nhiều năm, ông có các bản điều trần. Năm 1610, đề nghị chính sách đối với các tù trưởng vùng biên giới, không cho chuyên quyền. Năm 1615, cùng với Lưu Đình Chất, dâng khải xin không tuyển thêm binh lính để yên lòng dân. Năm 1618, lại cùng Ngô Tri Hoà đề xuất 6 vấn đề với nhà Chúa:

              - Sửa sang đức chính.

              - Đè nén bọn cường hào.

              - Cấm phiền hà.

              - Bớt xa xỉ.

              - Dẹp trộm cướp.

              - Chỉnh đốn quân đội.

 

LƯU ĐÌNH CHẤT (1566 - 1627)

Người làng Quỳ Chử, huyện Hoằng Hoá. Đỗ Đình nguyên Hoàng Giáp (1607),  làm  chánh sứ sang Trung Quốc, tước Phúc quận công, khi mất, truy tặng Thiếu sư.

Ông có tài chính sự, thường đề xuất ý kiến với nhà Chúa định kế hoạch yên dân. Năm 1615, cùng với Lê Bật Tứ dâng khải xin đình chỉ việc tuyển binh. Năm 1618, lại dựa vào nhiều tai dị để phê bình những người cầm quyền cay nghiệt, vơ vét hết của cải của nhân dân. Năm 1623, ông phát hiện được âm mưu của nhóm Trịnh Xuân, Trịnh Đỗ toan gây bạo loạn, nên đã giúp cho Trịnh Tráng ổn định được tình hình.

 

LÊ TRẠC TÚ (THẾ KỶ XVI)

Người làng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương, nay là vùng Cốc, huyện Triệu Sơn. Đỗ chế khoa hàng nhất giáp (1577) làm quan đời Lê Trung Hưng, dần dần đến Thượng thư bộ Lại, tước Vân Dương hầu.

Ông giúp Vua, Chúa dẹp loạn, giữ gìn pháp độ trong triều. Với tính tình ngay thẳng, nổi tiếng là cương trực, được người đương thời ca ngợi.

Ông còn là người thanh liêm đức độ. Làm quan tể tướng mà khi về hưu, nhà vẫn thanh bần, không có của dư. Gia đình ông cũng được khen là một gia đình văn hoá. Ông nội và chú ruột cũng đỗ Tiến sĩ đồng khoa (1499).

 

NGUYỄN QUÁN NHO (1637 - 1708)

Quê làng Vạn Hà, huyện Thụy Nguyên, nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá. Đỗ Tiến sĩ (1667) làm quan thời Lê Trịnh, trải các chức Ngự sử, Thị lang rồi đến chức Tham tụng (Tể tướng). Khi mất, tặng tước Quận công.

Ông nổi tiếng là người giản dị, khoan hoà đức độ, được nhân dân quí mến. Nên đã có câu:

                          “Tể tướng Vạn Hà, thiên hạ âu ca”.

Dân gian cũng đồn đại câu hát:

                          “Chàng về Vạn, Vạc chàng ơi,

                          Con chàng bỏ đói, ai nuôi cho chàng”.

Là chỉ vào lòng ái mộ của dân chúng đối với ông, khi ông từ nơi trị nhậm trở về nghỉ ở quê nhà.

 

HÀ TÔNG HUÂN (1697 - 1790)

Người làng Vàng, huyện Yên Định. Đỗ Bảng nhãn (1724) làm  quan cả hai ban văn võ đến chức Tham tụng. Ông có tài chính sự, đã làm Đốc đồng Sơn Nam, Đốc trấn An Bang, phòng sát sứ Tây đạo, Nam đạo. Đã giữ chức Đại tướng, dẹp loạn ở biên trấn Thanh Hoá, lại về phụ trách các bộ Hộ, bộ Binh, kiêm coi việc ở Quốc tử giám.

Ông còn nổi tiếng về đức độ, là người có “bụng dạ thản nhiên, rộng rãi, không câu nệ việc nhỏ nhặt”. Năm 65 tuổi (1760) về hưu, dạy học trò đỗ đạt rất nhiều. Ông dựng nhà ở bến sông, ngày ngày đọc sách, uống rượu đàm đạo với bạn già, không nghĩ gì đến chức tước cao sang của mình. Người đương thời ca ngợi ông: “Là bậc nguyên lão nhưng vẫn nhường bọn tuổi trẻ. Mọi việc làm xong cả, nhưng đến lúc thịnh, thì nhường cho người sau”.

Cuối đời, ông lại được chúa Trịnh mời ra, đặt vào bậc Ngũ lão trong nước. Khi mất, tặng hàm Thái phó. Học trò ông có người nổi tiếng như Thám hoa Phan Kính.

 

CAO ĐÌNH ĐỘ (1735 - 1810)

Tài liệu cũ cho biết ông là người ở huyện Cẩm Thuỷ, theo chúa Nguyễn vào lập nghiệp ở Đàng Trong, có mơ ước được thành thạo nghề kim hoàn. Ông xin với chúa Nguyễn Phúc Khoát, giả dạng là người Hoa chạy theo làn sóng di cư, để được làm một người hầu hạ trong nhà một chủ hiệu kim hoàn người Tàu. Một thời gian bí mật học được kỹ thuật rồi, ông trở về với Chúa Nguyễn.

Chúa cho ông mở một cửa hàng kim hoàn ở làng Kế Môn (Phong Điền) thuộc tỉnh Thừa Thiên ngày nay. Vừa là cửa hàng buôn bán, vừa là nơi dạy nghề cho người dân Đàng Trong. Từ đó nghề này mới được mở mang.

Nhà Tây Sơn nổi lên. Vua Quang Trung lập ngành ngân tượng. Cao Đình Độ theo về, được phong chức Lãnh binh. Người Phó lãnh binh lại là con trai ông, tên là Cao Đình Hương. Khi Gia Long lên ngôi, hai cha con ông vẫn được thu dụng, cho đến khi ông Độ mất năm 1810, thọ 75 tuổi. Năm 1821, ông Hương cũng qua đời.

Học trò của hai ông ở khắp các tỉnh miền Nam, thờ các ông làm đệ nhất, đệ nhị tổ sư. Nhà thờ tổ sư gọi là nhà thờ Kim Hoàn, hiện nay ở phường Phù Cát (Huế).

 

HÀ DUY PHIÊN (1791 - 1852)

Người xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá, đỗ Hương cống (1809), làm quan nhiều nơi, rồi về triều lên đến chức Thượng thư. Ông cũng có quân công, làm chức Tham tán dẹp loạn Quách Tất Công ở Ninh Bình. Từ đời Thiệu Trị là Cơ mật viện đại thần, kiêm Tổng tài Quốc sử quán. Khi mất truy tặng Thiếu bảo, Văn minh điện đại học sĩ.

Ông có tiếng tốt trong dân, có tài chính sự, nhưng đặc biệt còn là một nhà học giả. Ông đã chỉ đạo và trực tiếp biên soạn bộ sách lớn: Đại Nam hội điển sự lệ. Các sách khác như  Đại Nam thực lục tiền biên , cũng có công lao đóng góp của ông.

 

MAI ANH TUẤN (1816 - 1857)

Người làng Thạch Giản, huyện Nga Sơn, đỗ Thám hoa (1843),  là vị Thám hoa đầu tiên của triều Nguyễn.

Nổi tiếng thông minh, uyên bác, nhưng rất khảng khái cương trực. Ông dám can ngăn vua Tự Đức về việc đưa tàu đi hộ tống một viên quan nhà Thanh bị dạt thuyền, và còn cho chở hàng đi theo bán kiếm lợi. Vua không nghe cho là bất kính, đổi ông đi làm án sát Lạng Sơn. Tại đây, ông giao chiến với bọn giặc Tam Đường bị tử trận (1857).

Nhiều người thương tiếc ông. Phạm Văn Nghị làm thơ điếu, có câu:

                          Quân dĩ thư sinh thí chiết xung,

                          Hoành qua nhất tử uất cô trung...

Nghĩa là:

                          Bắt người học trò lao vào trận mạc,

                          Ngọn giáo đưa; lòng cô trung chỉ một chết mà thôi.

 

ĐINH CHƯƠNG DƯƠNG (1885-1972)

Người xã Lộc Tiên (nay là Hải Lộc) huyện Hậu Lộc. Có học chữ Hán, sớm giác ngộ, đi ra nước ngoài từ thời còn trẻ, hoạt động nhiều năm ở Trung Quốc thuộc nhóm yêu nước tiến bộ trong Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Bị địch bắt giam nhiều lần ở nhiều nhà tù khác nhau.

Nét văn hoá nơi ông là ông sáng tác nhiều thơ ca yêu nước và cách mạng. Ông có vinh dự là được nhà cách mạng Hồ Chí Minh làm thơ tặng ở Trung Quốc (1943), nói lên tình đồng chí và ý thức cách mạng nhất trí giữa hai người. Sau Cách mạng 8-1945 ông là đại biểu Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ 1954, vì già yếu, về an dưỡng ở Hà Đông.

 

LÊ MẠNH TRINH (1896 - 1983)

Người xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá, học chữ Hán đỗ Tú tài (1916),  rồi vào Sài Gòn làm công kiếm sống. Được giác ngộ cách mạng, học lớp huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc) và được phân công đi hoạt động ở Xiêm, thành đảng viên cộng sản (1930). Làm công tác vận động Việt kiều, là chủ nhiệm các báo Đồng Thanh, Thân Ái. Nhiều lần bị bắt và trục xuất nhưng vẫn bí mật trở lại được với phong trào. Từ sau Tháng Tám 1945, phụ trách Việt Minh ở Liên khu IV, rồi ra làm Phó giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Phó Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương.

Ông tiêu biểu cho lớp nhà Nho tân tiến, từ chủ nghĩa yêu nước và tư tưởng Khổng giáo đến với chủ nghĩa xã hội, đóng góp nhiều cho sự nghiệp hoạt động Cách mạng Việt Nam ở nước ngoài. Có những mẩu chuyện về ông lưu hành như giai thoại. Người ta trầm trồ về một nhà Nho cách mạng, có tên là ông Tú Đắc, để lại đôi guốc và bộ quần áo bên bờ Sông Mã, đánh lạc hướng kẻ thù và thoát hiểm an toàn. Người ta vẫn nhắc với nhau những câu thơ kêu gọi đoàn kết được mệnh danh là “Lời kèn thân ái”:

                          ... Đoàn là bạn, báo là thầy,

                          Được thua hơn thiệt tính bài dạy nhau.

Bài đã đăng trên báo Thân Ái ở Thái Lan năm 1928.

 

LÊ TẤT ĐẮC (1906 - 2000)

Người xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hoá, thuộc gia đình nhà nho. Tham gia Tân Việt, rồi Đảng Cộng sản Đông Dương, đã nhiều lần bị địch giam, hai lần vượt ngục. Sau Cách mạng Tháng Tám, là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá, chủ bút báo Sao vàng của Vệ quốc quân, rồi là Uỷ viên ban Tổ chức Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ông có viết tập hồi ký cách mạng nhan đề: Cánh chim vượt gió (Nxb Thanh Hoá, 1985).

Ông gây được tín nhiệm lớn với các đồng chí, đồng sự, rất có ý thức xây dựng quê hương, không muốn đặt mình vào vị trí cao, mà luôn luôn bám sát cơ sở. Ông có phong độ ung dung, hoà hợp được với mọi người, thể hiện nhân cách văn hoá đằm thắm, gây được cảm tình.

Điều khá đặc biệt là ông không thực chuyên về mặt văn hoá, không đi vào nghiên cứu, làm thơ ít, mà đều là những lời thơ chân thật, bộc lộ sự trung thành và những câu ca dao xuất sắc, gây ấn tượng dồi dào:

                                     “Ai lên xứ Lạng cùng anh,

                          Thăm quân du kích, thăm thành Bắc Sơn.

                                     Suối trong in mặt trăng tròn,

                          Hai cô gái Thổ trèo non đi tuần”.

 

NGUYỄN ỐN (1914 - 1992)

Trong giới tuồng chèo, người ta thường dùng tiếng Cả để chỉ vào những người diễn xuất sắc trong gánh hát. Nguyễn Ốn khi mới 26 tuổi đã được gọi là anh Cả, và vào 30 tuổi đã được gọi là bác Cả. Vì vậy tiếng tăm Cả Ốn trở nên quen thuộc khắp vùng. Ông thân sinh ra Cả Ốn là cụ Hai Lý, làng Quỳ Chử, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hoá) dẫn đầu một gánh hát riêng ở làng, đi biểu diễn khắp nơi trong huyện. Cậu bé Ốn học được nghề cha và được nhiều người bạn của cha bày vẽ, sớm đóng được những vai tuồng hát hay, múa dẻo. Ông trở thành một diễn viên Tuồng, tham gia nhiều gánh hát trong các huyện như gánh ông Bát Liễn, ông Ba Vân rồi vào các rạp lớn ở Thanh Hoá. Sau đó đi nhiều nơi ngoài tỉnh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông vào đội tuồng chèo Liên khu IV phục vụ bộ đội; đã được Thiếu tướng Nguyễn Sơn rất trân trọng khuyến khích. Từ 1954, ông vào đội văn nghệ trực thuộc Ty Văn hoá Thanh Hoá rồi làm Phó đoàn kiêm đạo diễn đoàn Tuồng Thanh Quảng (1963) đến năm 1967 thì về hưu. Năm 1993, ông được phong tặng là Nghệ sĩ Ưu tú (sau khi đã mất).

Cả Ốn ham học, ham diễn, rất tâm huyết với nghề, đã đóng nhiều vở xuất sắc, thành công với những kép trắng, kép đỏ, kép xéo của tuồng. Ông nắm vững các tuồng thầy, tuổng cổ và cũng có khả năng xử lý ứng diễn trong những vở diễn. Ông có công đào tạo nhiều diễn viên tuồng chèo cho các đoàn văn công chuyên nghiệp và nghiệp dư trong tỉnh.

 

THÔI  HỮU (1919 - 1950)

Tên thật là Nguyễn Đắc Giới, quê ở Bút Sơn, Hoằng Hoá. Đỗ Thành chung, làm thợ, được kết nạp Đảng, hoạt động ở Hà Nội. Năm 1944, bị bắt giam ở nhà lao Hoả Lò rồi vượt ngục. Phụ trách in ấn báo Hồn Nước của Thanh niên cứu quốc. Sau 1945, công tác ở báo Sự Thậtrồi vào quân đội, là người sáng lập báo Thủ Đô, báo Vệ quốc quân. Tham gia các chiến dịch ở mặt trận Việt Bắc từ năm 1947 đến 1950. Bị máy bay địch bắn ngày 16 - 12 - 1950.

Cùng với cách mạng những hình ảnh mới, con người và nét sống mới đã xuất hiện trong xã hội Việt Nam. Nhà văn của thời đại mới phải nhạy cảm, nắm bắt được yêu cầu ấy. Lúc này, văn học Việt Nam dồi dào nhất là thơ và ca dao. Thôi Hữu xuất hiện, trung thành với sự phản ánh cuộc sống kháng chiến, với người bộ đội, người dân thường ở các làng mạc, xóm thôn, không đi vào các mảng đề tài khác. Những việc, những người, những tâm trạng của anh bộ đội cứ hiện ra, giản dị mà thấm thía. Thôi Hữu cứ nói sự thực, chân thành và thiết thực, không có cái say sưa bát ngát của xúc cảm lãng mạn.

Và vì thế ta thấy con người bình thường trong thơ Thôi Hữu: những cô lái đò, những người dân công cũng hiện ra một cách thực thà và cảm động. Ông đã xuất phát từ lòng thương mến và niềm thông cảm, nên đã nói thực, không cần hoa lá gì. Thôi Hữu không gây ngạc nhiên, không tìm mơ mộng, là con người thật đi vào cuộc sống thật. Thôi Hữu chưa vươn lên được tầm cao. Ông mất sớm, nhưng đã là một nét mới trong Văn hoá Việt Nam lúc bấy giờ.

 

MINH HIỆU (1924 - 2000)

Trong những người cầm bút ở Thanh Hoá, trưởng thành với Cách mạng Tháng Tám 1945, có lẽ Minh Hiệu hơn ai hết đã thiết tha với mộng văn chương để cuối cùng trở thành một nhà văn hoá địa phương, xứng đáng với danh hiệu ấy. Chàng thanh niên ở đất Trường Giang, Nông Cống được đào tạo trong lớp Văn hoá kháng chiến Liên khu IV,  đã nhập thân với sự nghiệp tuyên văn ngay những bước đi đầu tiên, đã trải qua khá nhiều thử thách, thử thách nào cũng đứng vững, nhưng lại không đứng lâu để đạt được đỉnh cao. Ca dao Minh Hiệu có nhiều câu đã tồn tại với thời gian và có khả năng động viên quần chúng một cách thiết thực. Thơ Minh Hiệu (hai tập Những chiếc cầu, Yêu thương) có sự chân thật giản dị. Tham gia phát hiện ra kho tàng văn nghệ dân gian dân tộc Mường - chủ yếu là tục ngữ ca dao, xường và những truyện thơ như Huỳ Nga Hai Mối, ông đã tự bộc lộ được tư cách một người điều tra, nghiên cứu - và cả dịch thuật khá nghiêm túc.

 

II. DANH NHÂN TRONG TRUYỀN THUYẾT

Ai cũng biết, những huyền thoại và cả các giai thoại nữa, chủ yếu là những tư liệu không thể đem giám định theo phương pháp lịch sử. Nhưng phần lớn chính các loại tác phẩm này thường cung cấp cho chúng ta những ấn tượng sinh động nhất về xã hội và về con người. Có thể đây là những hiện tượng có cái lõi sự thật nào đó, được cảm quan nghệ thuật tôn vinh và có một giá trị phản ánh nhất định. Ở Thanh Hoá, những gương mặt lấp lánh sau các huyền thoại và giai thoại rất nhiều. Xin tạm kể ra một số gương mặt quen thuộc nhất.

 

BÀ TRIỀU

Không biết bà là vị thần như thế nào. Chỉ thấy làng Triều Dương (nay thuộc xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương và Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn thờ làm thành hoàng tôn là Thánh tổ (hay Thánh mẫu). Truyền thuyết nói bà có nhiều phép mầu, đã thi tài với thần Độc Cước, được thắng lợi. Thần Độc Cước phải nhận bà là chị. Khi làng tổ chức hội xuân, kiệu bà bao giờ cũng đi trước.

Bà đã dạy cho dân làng biết kéo sợi, dệt súc. Dệt súc trở thành nghề chính, nghề truyền thống của dân làng.

 

HOÀNG QUANG HƯNG  TRƯƠNG TRUNG ÁI

Hoàng Quang Hưng là người Trung Quốc. Từ đời Triệu Đà (?) ông sang Việt Nam, đến đất Cửu Chân dạy cho người địa phương là Trương Trung Ái làm nghề gốm. Các ông có kỹ thuật làm bàn xoay, cối xay để luyện đất và dập chum vại. Sau đó, hai ông lại ra vùng huyện Thanh Lâm (Hải Dương) mở lò. Dân Lò Chum (ở thành phố Thanh Hoá) thờ hai ông làm tổ nghề.

 

NGUYỄN TAM TRINH

Thần tích làng Mai Động (thành phố Hà Nội) nói là ông sinh năm Canh Dần (năm 22 trước Công Nguyên), chính quê ở Cửu Chân, có tài võ nghệ. Ông đến Mai Động mở lò võ dạy dân, rồi thầy trò cùng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Làng thờ ông làm Thành hoàng. Các thế hệ sau tôn ông làm tổ ngành Vật ở Việt Nam.

 

LA VIỆN

Người họ La ở huyện Nga Sơn, tôn La Viện là thuỷ tổ, nhưng chưa rõ ông sống vào thời gian nào. Có ý kiến cho ông ở dưới triều nhà Lý, đã có tài dẹp sóng giúp vua. Vua Lý hành quân đường biển bị sóng to gió lớn, có cơ nguy đến binh thuyền. La Viện đã xuất hiện lướt mình trên biển cả. Tay áo trắng của ông phất lên, những đợt sóng hung dữ đều phải nép rạp cả xuống. Nhà vua đã phong ông là Áp lãng chân nhân (vị tiên có tài dẹp sóng).

 

TU NƯA

Không rõ ông xuất hiện vào thời gian nào. Nhưng truyền thuyết ở Thanh Hoá thì gắn ông với núi Na Sơn, có nhiều kỳ tích vào cuối đời Trần. Ông được xem là vị tiên đã tạo nên đất Nông Cống bây giờ, những địa danh được dân gọi là Núi Quảy, sông Cày (nghĩa là ông đã quảy núi đến dựng và đường cày của ông biến thành con sông dài). Những người chữ nghĩa lại cho ông có tên là Trần Tu, một con người ẩn dật. Trong sách Truyền kỳ mạn lục có câu chuyện Na Sơn tiều ẩn là chỉ vào ông.

 

TỪ  THỨC

Ông không phải là người chính quán xứ Thanh, nhưng tên ông đã gắn bó vĩnh viễn với Thanh Hoá.

Ông được xem là xuất hiện vào cuối đời Trần, làm quan đến chức Tri huyện nhưng lại bỏ đi sống cuộc đời thoát tục. Ông đã đến một cái động ở huyện Nga Sơn bây giờ, được gặp và kết hôn với tiên nữ Giáng Hương, sống một năm hạnh phúc. Nhưng khi nhớ nhà, ông đòi về làng cũ thì quê hương đã đổi khác, vì một ngày trên tiên bằng một trăm năm dưới trần. Ông muốn trở về cõi tiên thì không được nữa, đành đi phiêu bạt rồi mất tích trong núi Hoàng Sơn. Câu chuyện phổ biến cả miền Bắc và tỉnh Thanh Hóa. Tại Bắc Ninh có núi Tiên Sơn, tại Thanh Hoá có động Bích Đào, tên nôm là hang Từ Thức. Câu chuyện đã trở thành đề tài cho nhiều nguồn cảm hứng. Có cả những ca dao về ông, được lưu hành đến bây giờ:

                                      “Trách chàng Từ Thức vụng suy,

                                      Đã lên cõi thọ về chi cõi trần”.

Nhưng các nhà thức giả lại lấy hiện tượng này làm một bài học nhân sinh quan. Lê Quí Đôn có ý kiến rất sâu sắc:

                          “Thiên thai bao kẻ từng xây mộng,

                          Nào biết Thiên thai cũng hí trường!”.

 

BẠCH HOA VÀ ĐINH LỄ

Những người chuyên ngành Ca công thờ hai vị này là tổ sư. Đinh Lễ là chồng, quê ở làng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông ra đến châu Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá, nhờ gảy đàn mà khiến cho cô con gái của quan châu Bạch Đình Sa đang bị câm bỗng nói được. Nàng có tên là Bạch Hoa được cha gả ngay cho Đinh Lễ. Hai người kẻ đàn hay, người hát giỏi, đã cùng nhau chu du đây đó từ Hà Nội (Lỗ Khê), Thanh Hoá (Bàn Thạch) rồi quay về Cổ Đạm. Hai vị sau này lên tiên, là tổ sư ngành Ca công và Ả đào ở khắp nước Việt Nam. Triều đình phong tặng chồng là Thanh Xà đại vương, vợ là Mãn Đào Hoa công chúa.

 

PHONG QUẾ

Truyền thuyết không nói ông ở thời nào, chỉ nói ông có tài đàn hát, đã kết hôn với một nàng công chúa mê nghệ thuật của ông. Hai vợ chồng đi truyền nghệ thuật Ca công (Ả đào) trên địa bàn xứ Thanh, chủ yếu là ở làng Bái Thuỷ (huyện Yên Định), Chẩn Xuyên (huyện Thiệu Hoá), Bàn Thạch (huyện Thọ Xuân). Ông bà đều mất ở làng Ngọc Trung (Thọ Xuân). Ở đây có đền thờ tổ, thờ hai ông bà. Xưa kia, ở khắp miền Bắc, cứ 3 năm một lần, các tỉnh đều cử người về cúng Tổ ở thôn này. Địa điểm dựng đền là một dải đất có hình dáng giống như cái đàn và một cái túi đựng nhạc cụ. Dân làng Ngọc Trung (xã Xuân Minh) vẫn gọi đó là cánh đồng Bái Đàn và Túi Sênh.

*

*        *

Những gương mặt huyền thoại và giai thoại như vậy, còn có thể kể được nhiều hơn, nhất là khi ta tìm trong kho tàng Folklore phong phú. Song ta có thể lưu ý về một số gương mặt đậm nét hơn, sắc thái Thanh Hoá có phần rõ rệt hơn tất cả. Theo dòng thời đại, có thể nhận ra 6 gương mặt sau đây.

 

LANG CUN CẦN

Không thể khẳng định Lang Cun Cần là con người có thực, hay là một nhân vật huyền thoại, một nhân vật cổ tích. Nhưng Lang Cun Cần đã luôn luôn là một hình tượng đậm đà, được trìu mến và được tôn vinh trong lòng nhân dân Mường ở Thanh Hoá. Ở vùng dân tộc Kinh, ta thờ phụng Lạc Long Quân, Hùng Vương, dù biết chắc đó là huyền thoại, nhưng ta vẫn trân trọng là vị tổ của dân tộc, của quê hương Việt. Ở Thanh Hoá, Lang Cun Cần cũng được giành niềm trọng thị như vậy.

Nói đến Lang Cun Cần, là phải nói đến tập sử thi Đẻ đất đẻ nước. Tác phẩm là bức tranh lịch sử sống động của con người đấu tranh sinh tồn, vật lộn để xây dựng nên xã hội ngày càng có văn hoá trên địa bàn xứ Thanh, trong đó Lang Cun Cần là vị anh hùng. Ông có nhiều kỳ tích văn hoá:

- Ông hỏi kinh nghiệm của con Rùa để làm nên nhà cửa.

- Ông cho người đi tìm lửa. Chuyện những bề tôi của ông gặp Thần Lửa phản ánh rất đúng nhu cầu cần lửa của thời cổ đại.

- Ông nhờ được nữ thần Nàng Dặt cái Dành xin được các giống lúa nhà, lúa rẫy, mở mang việc canh nông, ruộng rẫy cho dân chúng. Vị nữ thần này còn gặp các bà tổ nuôi lợn, nuôi gà, xin giống về cung cấp cho mường.

- Ông cho người đi tìm được trâu, thuần hoá trâu rừng thành trâu nhà.

Bấy nhiêu hành động, sáng kiến cho ta cảm tưởng rằng Lang Cun Cần là một ông tổ văn hoá của dân tộc Mường. Có ông mới có ruộng vườn, có chăn nuôi, có sự sống. Ông phải trải qua nhiều chặng đường gay go, gặp những khó khăn nhất định, nhưng dần dần đã ổn định được một cuộc sống có văn hoá. Tiếp đó Sử thi còn cho thấy Lang Cun Cần đã cùng các con cháu giải quyết những vấn đề hôn nhân, những bất hoà trong nội bộ. Khi mọi việc yên ổn, đã dựng được lâu đài nguy nga tráng lệ, dẹp yên được những phản ứng giữa dân chúng với nhà Lang hoặc trong nội bộ anh em nhà Lang, thì Lang Cun Cần qua đời. Con ông là Lang Cun Khương được nối nghiệp, được lo xống áo, kiệu ngai và thành vua. Dân chúng rước vua về Đồng Chì Tam quan Kẻ chợ.

Tác phẩm Đẻ đất đẻ nước được lưu truyền và được chồng chất lên nhiều lớp văn hoá, làm rõ lên được cái dáng dấp của bước đi của con người trải qua các chế độ xã hội từ thời nguyên thuỷ đến ngưỡng cửa văn minh. Trong hồi ức sinh động ấy, Lang Cun Cần đã hiện ra là một khuôn mặt văn hoá tổng hợp. Không một hình tượng nhân vật của thần thoại, cổ tích hay lịch sử nào được đầy đủ và đa dạng như ông.

 

MAI AN TIÊM

Không thể xác định được Mai An Tiêm là con người thực, hay là nhân vật được hư cấu. Câu chuyện được kể trong sách Lĩnh Nam chích quái có nét khá độc đáo so với nhiều truyện khác trong tác phẩm. Không phải là chuyện thần kỳ, không có tính cách truyền thuyết, cũng không hoàn toàn có tính cách như cổ tích sinh hoạt. Hầu như là một truyện dã sử được tồn tại lâu đời. Dã sử muốn chứng minh thời đại Hùng Vương là có thực. Ông là vị tổ của họ Mai, là người đã khai phá ra đất Nga Sơn ngày nay, không phải là hòn đảo xa ngoài biển cả mà là một miền duyên hải của Thanh Hoá. Nét đẹp của Mai An Tiêm rất hiếm thấy ở nhiều nhân vật văn hoá khác.

Trước hết là ở ý thức về bản thân mình: tin tưởng về khả năng của mình có thể tự tạo nên cuộc sống. Người xưa không dám nghĩ đến điều đó, nên đã ghép cho An Tiêm cái lý luận về thuyết tiền thân và thuyết thượng đế, khiến cho nhà vua tức giận, nghe lời ton hót mà đày chàng ra biển khơi. Thực ra thì vấn đề không phải là tiền thân, mà là tự thân. Phải chăng ở xứ Thanh này, ngay từ thời Hùng Vương (hãy cứ tin như thế) đã lộ ra một quan niệm nhân sinh như thế.

Mai An Tiêm còn có công khai phá ra được một vùng quê mới. Vùng đất ấy là một đảo hoang. Truyện cổ tích không cho biết được nhiều chi tiết, sử sách cố nhiên không thể nói đến, nhưng ta có thể hình dung, tưởng tượng đến cái quá trình làm sao cho miền sương cát mù khơi này có thể biến thành xóm làng trù phú xanh tươi, và nhất là thành một cảng thị sầm uất. Với vợ chồng An Tiêm, cuộc sống ở đây đã kết trái nở hoa và rất đặc biệt là đã tạo nên được sự giao lưu thông thương trên biển cả. Trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam, chỉ có hai câu chuyện cho ta một số tín hiệu về việc đổi chác hàng hoá, thông thương bằng con đường biển. Ấy là chuyện vợ chồng Chử Đồng Tử và đây là vợ chồng An Tiêm. Rõ ràng hai cặp vợ chồng này đã là những anh hùng văn hoá sớm nhất của đất nước ta trong lĩnh vực này. Dù họ không có thực, thì họ vẫn là những biểu tượng đẹp đẽ và đầy ý nghĩa. Vợ chồng Chử Đồng Tử, còn có sự trợ giúp của Phật, của Tiên, chứ vợ chồng Mai An Tiêm thì có bàn tay khối óc của mình. Đó là thêm một nét độc đáo nữa.

 

LÊ PHỤNG HIỂU

Tiểu sử hành trạng của Lê Phụng Hiểu ai cũng đã rõ. Và chắc có người ngạc nhiên khi thấy xem ông là một gương mặt văn hoá của xứ Thanh. Thực ra, ông rất xứng đáng với danh hiệu ấy.

Cuộc sống bình sinh chứng tỏ ông là một vũ tướng có tinh thần quả cảm, có chiến tích lẫy lừng. Ông đã bảo vệ ngôi vua cho Lý Thái Tông, dẹp yên được những hoàng tử gây loạn. Ông đi dẹp giặc, có công lao trong những trận đương đầu với quân Chiêm gây hấn. Ông cũng là người được nhà vua giành cho quyền lợi ưu đãi. Lịch sử chỉ chép có một mình Lê Phụng Hiểu là được hưởng chế độ thác đao điền (Ném con dao đi xa đến đâu, thì được nhận ruộng đến đó).

Đến khi đi vào huyền thoại, Lê Phụng Hiểu lại trở thành một nhân vật, một hình tượng đặc sắc. Ông xuất hiện ở thế gian này vào thế kỷ thứ XI, lúc thần thoại đã lùi vào dĩ vãng. Vậy mà dân gian đã tô điểm cho ông thành một hình tượng thần thoại mới, một nhân vật khổng lồ như ở thời kỳ tiền sử, cổ sử xa xôi:

- Ông có tài ăn khoẻ như Thánh Gióng ngày xưa. Cơm cà giành cho hàng trăm người mà một mình ông ăn hết.

- Ông có tài nhổ cây, đánh cọp như các chàng dũng sĩ có thần lực ngày xưa.

- Ông đã từng gánh núi, đưa về làng mình. Tại làng quê ông có hai quả núi tròn, đối diện nhau rất là cân đối. Chính ông đã gánh cả hai về đặt ở chỗ hiện thời. Vì vậy mà núi có tên là núi Bưng (tên chữ là Băng Sơn).

- Ông đã chiến thắng một thần núi ở bên Trung Quốc sang. Đó là ông thánh Cưu Sơn. Thánh Cưu thua phải nhận ông Bưng là anh. Ông lại đánh ngã một lực sĩ tên là Vồm chết hoá thành núi Vồm ở huyện Thiệu Hoá bây giờ.

- Ông lại đánh nhau với thần Hà Rò vì một bình nước phép để làm mưa. Phương ngôn Thanh Hoá có câu “Cơn Hà Rò đuổi bò mà chạy”, là chỉ vào mẩu thần thoại này. Câu chuyện có thể gợi ra vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm: Sự đấu tranh giữa khô ráo và ẩm ướt.

Như vậy, rõ ràng là Lê Phụng Hiểu đã được đi vào truyền thuyết dân gian và giữ một vị trí quan trọng. Đây là thần tượng khổng lồ, hào quang của thời cổ đại, lóe lên như ngọn đèn cạn dầu trước khi tắt hẳn.

Chính vì vậy, mà Lê Phụng Hiểu đã trở thành một vị thánh. Tại Hoằng Sơn quê ông, người ta gọi là Thánh Bưng. Ở Hoằng Quỳ cách đó không xa, người ta gọi là Thánh Tến. Hàng năm, đền Thánh Tến mở hội. Loại hình nghệ thuật được sử dụng để thờ thần là một hình thức diễn xướng đặc sắc: Chèo Chải. Chèo chải chủ yếu gắn với ông Bưng; Có rất nhiều điệu hát, điệu múa và các bài thơ để “mừng công đức Thánh Tến”.

 

TRẦN THỊ PHƯƠNG HOA

Cho đến hôm nay vẫn chưa xác định được Phương Hoa là người có thực hay chỉ là một nhân vật truyện nôm. Cứ theo truyền văn (và có cả di tích thực địa) thì ở Hậu Lộc có họ Trần, ở Hoằng Hoá có họ Tào, ở Thạch Bàn có mả Thị Trinh. Nhưng sử sách lại không thấy ghi.

Nhưng dù sao thì Phương Hoa vẫn được nhân dân Thanh Hoá qua các thế hệ chấp nhận. Phương ngôn có câu: “Văn như Phương Hoa, võ như Triệu Ẩu”, luôn luôn là một khẩu hiệu động viên, một sự tự hào.

Lâu nay truyện nôm Phương Hoa đã được bàn bạc nhiều. Đa số khẳng định đây là câu chuyện có chủ đề luân lý, thể hiện quan niệm thiện ác, thiên địa tuần hoàn, bĩ cực thái lai. Nhìn chung có thể là như vậy, nhưng thực ra nếu chịu đi sâu thì sẽ thấy có vấn đề khác. Thí dụ như ở hầu hết các kết thúc của truyện nôm,  những nạn nhân bao giờ cũng thắng lợi, nhưng thắng lợi ấy không nhiều thì ít đều có sự giúp đỡ của lực lượng siêu nhiên  thần bí.  Còn ở Phương Hoa, vấn đề lại là thắng lợi không bao giờ tự nhiên mà đến, và cũng không thần thánh nào đem thắng lợi đến. Chỉ là con người phải tự hành động, phải biết tổ chức cho thắng lợi tới gần. Đó là nét đặc sắc của chủ đề cốt truyện.

Nói riêng về nhân vật Phương Hoa. Con người rất xứng đáng được ngưỡng mộ. Nàng hoàn toàn là hiện thân của tấm lòng thuỷ chung, son sắt hiếm có ở đời. Phương Hoa đã vượt lên trên tất cả mọi thử thách gay go. Hành động của Phương Hoa cũng không phải vì thanh danh, nề nếp của nhà họ Trần. So với những con người tiết hạnh xưa nay, Phương Hoa đã vượt quá xa, bóng trùm lên tất cả.

Điều có ý nghĩa nữa trong hình tượng Phương Hoa là người con gái đáng yêu kính này mang bản sắc Việt Nam thật là sinh động, sâu sắc. Câu chuyện người phụ nữ trong chế độ cũ, cải trang nam giới để đua tài thử sức giữa trường đời không phải là hiếm. Kho tàng văn học Trung Quốc đã giới thiệu nhiều nhân vật làm vinh dự cho giới nữ lưu qua mô típ “gái giả trai” này như Mạnh Lệ Quân (trong Tái sinh duyên).

So sánh với Mạnh Lệ Quân, cũng chung thuỷ, cũng giả trai, cũng đạt tới vinh quang cao nhất ở triều đình, nhưng Phương Hoa phải giải quyết những vấn đề rất thiết thực, rất cụ thể trong cuộc sống bình dị tối tăm ở nông thôn. Người yêu của Phương Hoa tuy cũng thuộc dòng dõi nhà quan, nhưng không đến mức quý tộc như chàng trai họ Hoàng, việc bi đát xảy ra là việc hàng ngày nông thôn Việt Nam xưa thường chứng kiến: quan lại tham nhũng, trộm cắp nhiễu nhương. Phương Hoa không ra làm quan đầu triều như Mạnh Lệ Quân, nàng cũng không luyến tiếc địa vị cao sang như cô tài nữ bên Trung Quốc. Câu chuyện có những nét tương đồng, nhưng hình ảnh Mạnh Lệ Quân không phải là hình ảnh mà người phụ nữ Việt Nam gần gũi, xem đó là bóng dáng của chính mình. Phụ nữ Việt Nam phải là Phương Hoa, với tất cả những phẩm chất đảm đang trung hậu. Đảm đang trung hậu một cách bình dị, phóng khoáng, chứ không nhuộm màu quý tộc, siêu nhân. Cô không những làm vinh dự cho phụ nữ Việt Nam, mà cho cả văn hoá Việt Nam, trong đó xứ Thanh được cái vinh dự là nơi sản sinh ra gương mặt ấy.

 

NÀNG MỨN

Ở đất Mường Khoòng, ngày nay là xã Cổ Lũng thuộc huyện Bá Thước có lưu truyền câu chuyện một người con gái tài sắc tuyệt vời. Đó là chuyện Nàng Mứn.

Không biết Nàng Mứn thực quê là ở đâu. Truyền thuyết kể rằng hồi bấy giờ vào khoảng đời vua Lê (?), vùng trên này loạn rừng, loạn cỏ. Gia đình anh em nhà Khăm Panh trôi dạt đồi này thung nọ, mãi mới kiếm được đất mường Khoòng, rủ nhau tìm cách làm ăn sinh cơ lập nghiệp ở đó.  Khăm Panh tìm được Nàng Mứn làm vợ. Nàng đã xây dựng nên một gia đình tốt đẹp và còn khiến cho đất mường Khoòng trở nên thịnh vượng.

Nhưng sau đó, Khăm Panh bị tên giặc phương Bắc là Khun Han lừa, bị mất cả cơ nghiệp. Thất cơ, Khăm Panh cùng vợ và các con, các em lưu lạc trong rừng vắng. Vừa uất ức, vừa hổ thẹn, Khăm Panh ốm chết giữa thung Eo Điếu. Nàng Mứn vô cùng đau đớn. Chôn cất chồng xong rồi, Nàng Mứn tập hợp dân bản lại, cùng với các em bàn cách đánh trả thù. Đích thân Nàng Mứn cầm quân, chỉ huy chiến đấu. Nhưng không thắng nổi địch. Nàng cũng phải hy sinh như chồng.

Vợ chồng Khăm Panh mất đi nhưng không nguôi được nỗi căm thù vì bản mường, vì gia tộc. Khăm Panh đã hoá thành một con bướm vàng. Nàng Mứn đã hoá thành một con bướm trắng. Chính đôi bướm này đã bay chỉ đường cho con cháu của Khăm Panh tìm được nơi lẩn tránh, và cuối cùng đứa con sống sót của nàng đã khôn lớn trả thù được cho gia đình, mường bản. Đứa con ấy là Khăm Khong đã nói với dân bản:

                          Xin dựng lại Mường Khoòng như cũ

                          Xin cả mường hãy lo làm ngô làm lúa...

                          ...Cho ngọt đường đi của mường ta

                          Cho thêm lối về trên mường mẹ...

Không thể dùng phương pháp giám định lịch sử để thấy được sự thực Nàng Mứn là người thế nào? Nhưng vẫn phải nhận Nàng Mứn là một nhân vật văn hoá đặc sắc. Trong con người phụ nữ này, có người thực, có con người của truyện truyền kỳ. Nhưng nàng đã hiện ra là con người biết xây dựng bản mường, biết tổ chức cuộc sống, biết chiến đấu không mệt mỏi lúc sống cũng như lúc chết. Nàng còn là người yêu, người vợ, người bà luôn luôn giữ gìn truyền thống của gia đình, của quê hương - Nàng là một gương mặt văn hóa.

 

TRẠNG QUỲNH

Ở nước ta, hễ khi nói đến truyện cười thì phải nhắc đến truyện Trạng Quỳnh. Truyện Trạng Quỳnh là bao gồm nhiều dạng: Có thể là truyện hài hước, truyện giai thoại, có thể là truyện tiếu lâm (giới nghiên cứu đã xác định và phân biệt, chúng ta không cần nhắc lại).

*

*        *

Trạng Quỳnh là một nhân vật hư cấu, một truyện dân gian, nhưng được gắn với Thanh Hóa vì một số lý do. Trước hết, phải là con người biết cười, hay cười, biết trêu ghẹo, biết nghịch ngợm, nói theo lối nói của nhà Nho là “thiện ư hí hước”. Rồi lại phải là con người chữ nghĩa giỏi giang, lý luận sắc bén chứng tỏ là học rộng, hiểu sâu khiến mọi người phải kính nể, thậm chí đến sợ hãi, như vậy mới đúng là ông Trạng. Các nhà Nho gọi những người này là “Đàm thuyết kinh nhân” (trò chuyện khiến người ta phải sợ). Sau nữa, con người này cũng phải là người tiếp cận được nhiều môi trường, biết hoặc quen với vua chúa, với những hoàng tử, tiểu thư, giao thiệp được với các ông cả bà lớn. Đồng thời, lại còn hiểu biết cả nông thôn, đô thị (ngày xưa là chốn kinh kỳ), gần dân lao động buôn bán, thân cận cả với giới nho sĩ, giới tu hành. Mấy ông Trạng trước đây (trạng chính thức và trạng dân phong) chỉ nằm trong một không gian hẹp, nên nếu có cười thì cũng chỉ là nụ cười phiến diện mà thôi. Ông Trạng Cười mà nhân dân cần, phải thâu tóm được tất cả. Trong xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, chắc cũng có một số người thoả mãn ít nhiều cảm tính của quần chúng (cảm tính chứ không phải nhận thức hay đánh giá). Người ta từ sự cảm tính ấy mà khuếch trương thêm, từ một hình tượng khởi đầu cho bao nhiêu gia công ngay lúc bấy giờ và cả những thế hệ về sau nữa. Hình tượng khởi đầu ấy chắc là một nhân vật thực, có hai đặc điểm: Nói giỏi và hay cười, ta vừa kể trên kia. Đó là nhân vật Cống Quỳnh mà sách Nam thiên lịch đại tư lược sử (VHV 1480) đã ghi rất đầy đủ 8 chữ vừa kể trên đây: “Quỳnh Hoằng Hoá, Bột Thái nhân, từ chương minh thế, đàm thuyết kinh nhân, trường ư quốc âm, thiện ư hí hước” (Quỳnh người làng Bột Thái, huyện Hoằng Hoá, từ chương nổi tiếng ở đời, nói năng bàn luận kinh người, sở trường văn thơ nôm và giỏi hài hước).

Vì những lý do ấy nên Trạng Quỳnh đã được gắn với xuất xứ Thanh Hóa. Đây là một gương mặt cười vẫn luôn luôn hiện ra cái dáng dấp xứ Thanh. Các nhân vật trong kho truyện cười này đều xuất xứ từ Thanh Hóa mà ra cả: Vua chúa, bà hoàng, quan thị, cho đến cả thành hoàng, bà mẫu v.v..., đều ở Thanh Hóa nhiều hơn, mặc dù xã hội Trạng Quỳnh là đủ triều đường, cung phủ, đền miếu, phố xá nông thôn. Cảnh sinh hoạt cũng đủ việc bình thường như chèo đò, bán quán, chọi gà, và cả chuyện ngoại giao, thi cử. Trạng Quỳnh biết nhìn vào nơi nào cũng phát hiện được chuyện đáng cười, và cái cười cũng có chất nông dân, pha đô thị, pha cả nét cung đình, giống như cái cười quen thuộc xứ Thanh (khác với nụ cười xứ Nghệ hay nụ cười Nam Bộ).

Nhưng một điều đặc biệt, tự dân gian khẳng định nét truyền thống và khuôn mặt cười của xứ Thanh này, là nhân dân đã tự tạo lấy một cách áp đặt mà lại rất tự nhiên, để giành cho được Trạng Quỳnh về cho địa phương. Ấy là một sự khẳng định gương mặt văn hoá quê hương. Các nhân vật cười ở nhiều tỉnh, nhiều vùng khác, không có truyền thống này. Nhân dân đã cho Trạng Quỳnh phải là một ông tổ cười, có con cháu cũng là một nhân vật cười hẳn hoi. Người ta chấp nhận ông Xiển Bột (hay Xiển Ngộ) ở làng Bột (Hoằng Hoá, Thanh Hoá) theo dòng dõi Trạng Quỳnh, có những chuyện cười đúng theo phong cách Trạng, tất nhiên nghệ thuật và nội dung thì không bằng. Có thực là Xiển Ngộ mang cái “gien” Trạng Quỳnh (cách nhau đến 3 thế kỷ), vì cùng chung “huyết thống”, quê hương hay không, ta sẽ thẩm tra thêm. Nhưng rõ ràng lịch sử văn học Việt Nam đã muốn cho Trạng Quỳnh mở ra một dòng trào phúng. Mở dòng ở Thanh Hoá, và gợi cho các dòng khác ở miền Bắc, miền Nam. Đã mấy ai có được vinh dự ấy trong làng Cười đất Việt?

III. NHỮNG HÌNH TƯỢNG ĐẬM NÉT

Ở những trang trên, qua tiến trình lịch sử, kho huyền thoại và giai thoại ta đã nhận ra những tia loé của những con người (thật hay hư cấu) góp phần vào diện mạo văn hoá xứ Thanh. Nhưng trong cả tập thể lớn lao ấy, vẫn có những gương mặt văn hoá đậm đà hơn, sắc sảo hơn. Ở phần trên (phần B) đã nhắc đến 6 tên tuổi. Sau đây, còn phải chú ý đến một số nhân vật thực, rất xứng đáng được thành biểu trưng cho văn hoá quê hương Thanh Hoá. Với những gương mặt này, cần phải đi sâu hơn, kỹ hơn, nhưng chủ yếu cũng chỉ tiếp cận ở góc độ văn hoá, mà lướt qua ở nhiều lĩnh vực khác.

 

BÀ TRIỆU

Lịch sử Việt Nam và lịch sử Thanh Hoá đã ghi khá rõ về Bà Triệu. Mặc dù tư liệu vẫn chưa thật đầy đủ, nhưng hàng ngàn năm qua, Bà đã là một nữ anh hùng, một nhân vật lịch sử sống trong lòng các thế hệ. Hơn bao nhiêu nhân vật lịch sử khác, Bà trở thành một hình tượng đẹp, tiêu biểu cho văn hoá Việt Nam. Bà đi vào chính sử, truyền thuyết, ca dao. Bà tiêu biểu cho phẩm chất người Việt Nam nói chung, cho phụ nữ Việt Nam nói riêng và một phần nào cũng ghi được dấu ấn riêng của quê hương Thanh Hoá.

Nét nổi bật về phương diện văn hoá ở Bà Triệu là ở lý tưởng phấn đấu của Bà. Lịch sử mãi mãi ghi chép câu nói của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ta”. Điều tâm niệm độc đáo đó, không ngờ lại ở trong lòng một cô gái vào tuổi hai mươi, ở một vùng xa xôi như quận Cửu Chân hồi thế kỷ thứ III. Không biết câu danh ngôn này có phải do người đời sau đưa thêm vào nhằm mục đích tôn vinh Bà hay không, nhưng dù sao câu nói vẫn chứa đựng cái lõi lịch sử nhất định. Cái lõi ấy là, dù trong hoàn cảnh thời gian và không gian thế nào thì ý chí bất khuất của phụ nữ trẻ tuổi xứ Thanh vẫn là thường trực. Tư tưởng ấy chứng minh tinh thần độc lập, tiềm tàng của nhân dân ta trong thời đại bấy giờ, và sẽ bộc lộ đậm đà, rõ nét hơn trong những thế kỷ về sau.

Truyền thuyết cho ta biết là sở dĩ Bà Triệu phải thua, vì giặc Ngô đã bày ra một thế trận vô liêm sỉ: Cho một đội quân tồng ngồng ra khiêu chiến trước một người con gái trẻ trung, tinh khiết. Bà Triệu vốn là người: “ái khiết uý ô” nên không thể nào chịu đựng được cái trò bỉ ổi ấy, nên Bà phải quay voi chạy, để cho giặc thừa thế lộng hành. Truyền thuyết rõ ràng là đã giải thích sự thất trận của Bà Triệu bằng một lý do văn hoá, chứ không phải vì lý do quân sự. Ta có thể không tin, nhưng ta càng quý mến và thương yêu Bà Triệu hơn nhiều. Con người đã có lý tưởng đẹp đẽ, lại có phẩm chất, có bản tính thanh cao. Bảo vệ sự thanh cao ấy, Bà Triệu đã chịu thất bại. Cái xấu, cái hèn của kẻ nhất thời thắng lợi, nhưng ghi mãi vết nhơ ngàn đời.

*

*         *

Sử sách không ghi được nhiều về Bà Triệu, nhưng đây là một sự kiện lịch sử độc đáo: Tài liệu cổ sử Trung Quốc đã không thể dấu diếm mà phải ghi chép rõ ràng. Những ngày thành công của Bà cũng ngắn ngủi, nhưng hình tượng của Bà đã tồn tại với thời gian. So với nhiều hiện tượng lịch sử, hiện tượng văn hoá của Việt Nam, thì hình tượng Bà Triệu đã sống động và đậm đà hơn cả (so với các nhân vật lịch sử ở các giai đoạn sau cũng vậy). Rất nhiều nét đã được nâng lên thành hình ảnh nghệ thuật có sức gợi cảm lớn. Một nàng nữ chúa đội khăn vàng, mặc áo vàng, ngồi trên con voi hùng dũng từ chốn rừng sâu, tung hoành suốt một dải núi rừng từ Ngàn Nưa đến Phú Điền. Rõ ràng là một hình ảnh đẹp.

Trong ca dao thì câu này có lẽ xuất hiện lâu đời:

                          Con ơi con ngủ cho lành,

                          Để mẹ gánh nước đổ bành con voi.

                          Muốn coi lên núi mà coi,

                          Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.

Hình như sau đó, người dân xứ Thanh cũng chưa thực vừa lòng với hình tượng trên, dù đẹp đẽ, oai hùng nhưng chỉ mới nói được nét riêng của Bà Triệu. Không, Bà Triệu không phải là một cá nhân bà. Bà là tất cả phụ nữ Cửu Chân lúc bấy giờ, là cả phụ nữ Việt Nam sau này. Bà rất được các chị em hưởng ứng. Bà ở đó, trên con voi hùng dũng, nhưng bà cũng ở đây với đông đảo phụ nữ Cửu Chân: một lòng yêu nước, yêu chồng. Vì thế mà ta có thêm hai câu:

                          Túi gấm cho lẫn túi hồng,

                          Trầu têm mũi mác để chồng ra quân.

Thật không có gì là bản sắc văn hoá hơn thế nữa.

*

*        *

Trong truyền thuyết (hay sự thực lịch sử) về Bà Triệu, có câu chuyện kể rằng người con gái này “vú dài ba thước”, tài liệu lịch sử cũng chính thức ghi: “Cưỡi voi, vắt vú trong rừng bước ra” (Lê Ngô Cát - Đại Nam quốc sử diễn ca). Câu chuyện này có thực hay hoang đường? Chưa thể khẳng định được. Về mặt sinh lý, người này hay người khác - trong cái biển người mênh mang bao nhiêu thế kỷ - có thể có trường hợp dị hình dị dạng, không phải là không có khả năng. Ta lại không có ảnh (tất nhiên) của Bà Triệu nên không thể xác minh vấn đề. Song tại sao lại không thể nhìn hiện tượng này theo một góc độ văn hoá? Cách đây gần 200 năm, có một nhà thơ - một thày giáo ở Thanh Hoá đã có ý kiến rất độc đáo về hiện tượng này. Ông công nhận có thể có chuyện vú dài ba thước, nhưng cái vú dài như vậy là có ý nghĩa thế nào. Ông viết câu thơ:

                                      Xích tử vạn gia đề nhũ bộ.

Nghĩa là:

                                      Con đỏ muôn nhà đều ngậm vú.

Nhữ Bá Sĩ đã có ý kiến rất hay. Bà Triệu có vú dài, vú lớn. Phải dài, phải lớn như vậy mới dồi dào nguồn sữa cho hàng muôn vạn con cháu bú. Con cháu sẽ bú, sẽ nhận lấy dòng sữa quật cường vô tận trong người mẹ anh hùng. Nét văn hoá ở đây qua Nhữ Bá Sĩ đã được tôn vinh một cách hùng hồn mà thuyết phục.

 

LÊ VĂN HƯU (1230 - 1322)

Ông là người hương Phủ Lý, nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá. Đỗ Bảng Nhãn năm 1247, được giữ chức Học sĩ viện Hàn lâm, kiêm Giám tu quốc sử. Cuối đời thăng Thượng thư bộ Binh, tước Nhân uyên hầu.

Ông là cháu bảy đời của Lê Lương, một vị hào trưởng ở đất Ái Châu, đời vua Đinh Tiên Hoàng, nhưng đến đời Trần thì sa sút. Lê Văn Hưu là con của ông Lê Văn Minh và bà Đỗ Thị Hoà, lúc bé theo học thầy giáo họ Nguyễn ở làng Phúc Triền nổi tiếng thần đồng. Năm Đinh Mùi 1247, thi đỗ Bảng nhãn đồng thời với Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Thám hoa Đặng Ma La, rồi được giao nhiều chức vụ. Ông đã sống gần trọn một thế kỷ, trực tiếp tham gia chống quân Nguyên Mông lần thứ I (1258) và lần thứ II (1285).

Lê Văn Hưu là nhà Sử học đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1272, ông soạn xong bộ Đại Việt sử kýgồm 30 quyển. Bộ sách này ngày nay đã mất chỉ còn sót lại một số lời bình được Ngô Sĩ Liên trích đưa vào bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Qua những lời bình ấy, người ta nhận được tư tưởng và phong cách của Lê Văn Hưu. Ông là nhà sử học uyên bác, có tinh thần dân tộc cao, có phương pháp chép sử vững vàng, có tinh thần dân tộc, có cách diễn đạt dồi dào tình cảm.

Một số tài liệu còn cho biết Lê Văn Hưu cũng có sở trường về những kiến thức địa lý, có khả năng đã viết sách Địa cảo. Ông có theo dõi và ghi chép về một số vùng, vừa quan sát địa lý thiên nhiên, vừa chú ý cả những mạch đất theo cách xem xét địa lý phong thuỷ ngày xưa. Lại có ý kiến ông có tham gia ít nhiều trong việc biên soạn cuốn sách Việt Điện u linh (của Lý Tế Xuyên), nhưng chưa có bằng chứng xác đáng.

Lê Văn Hưu cũng là một thầy giáo. Thời kỳ làm môn khách cho các quý tộc họ Trần, ông đã là thầy dạy Thượng tướng Trần Quang Khải và hình như có dạy cả Bạch Liêu (người đỗ Trạng nguyên năm 1266, sau kỳ thi Bảng nhãn của ông 19 năm).

Ông là thầy giáo, là nhà khoa bảng, nhà văn và nhà sử học đầu tiên mà xuất sắc của đất nước. Nhắc đến Thanh Hoá là phải nhắc đến ông. Lê Văn Hưu đúng là một gương mặt văn hoá toàn diện. Được cử vào Viện Hàm Lâm thị độc, ông đã giúp vua Trần xem xét các bài vở, bồi dưỡng cho lớp người hậu tiến. Những tấm bia đời sau ghi chép về ông, đều xưng tụng ông là bậc Thầy. Điểm đặc sắc nhất trong tư tưởng giáo dục của ông là tinh thần dân tộc.

Ông mất năm Nhâm Tuất (1322) đời Trần Minh Tông.

 

HỒ QUÝ  LY (1335 - ?)

Xét về tư cách nhà chính trị, người cầm đầu đất nước, Hồ Quý Ly đã có nhiều sáng kiến táo bạo, muốn xây dựng cho đất nước trở nên cường thịnh, vượt khỏi tình trạng suy thoái của thời Trần mạt. Và đây là một nhà chính trị có tầm nhìn văn hoá toàn diện. Ông đặt ra các phép hạn điền, hạn nô, định lại chế độ thuế khoá, cho phát hành bạc giấy, qui định việc đo lường. Ông cũng quan tâm đến các vấn đề cứu tế xã hội, lập các sở quảng tế, các kho lúa để phòng trợ cấp lúc mất mùa. Về quân sự, ông rất lo việc đối phó với nhà Minh xâm lược, nên chăm chú việc phòng thủ, nhất là ở các cửa biển, đồng thời tăng cường quân lực để hòng đối phó với tình hình. Sợ dân chúng không phục vì xem ông là một nguỵ triều, ông đã cố gắng biểu dương thanh thế, phát triển sự nghiệp Nam tiến, và cũng đã chiến thắng Chiêm Thành, thu được các đất Chiêm Động và Cổ Lũng.

Ông cũng tỏ ra có khả năng nắm vững quyền chuyên chính của mình, dẹp yên được một số âm mưu đảo chính như hội thề Đốn Sơn của con cháu nhà Trần. Song mặc dầu có nhiều sáng kiến cải cách, có những cố gắng chỉnh đốn quốc gia, có cái nhìn văn hoá sắc sảo với thời đại, ông đã không được lòng dân. Bọn xâm lược nhà Minh cho các tướng Trương Phụ, Mộc Thạch kéo sang, quân ta kháng chiến mạnh mẽ, nhưng bị thất bại. Cả hai cha con và một số triều thần bị bắt. Nhà Hồ bị diệt, và nước ta bị thuộc nhà Minh suốt mười năm trời (từ năm 1406).

*

*          *

Phải thấy rằng, Hồ Quý Ly đồng thời là một nhà văn hoá. Trước hết, ông xứng đáng là một người thầy. Cả về mặt đường lối giáo dục, và cả về mặt chuyên môn nghiệp vụ. Những ngày chưa nắm chính quyền, ông đã đảm nhận việc giảng dạy các hoàng tử, và những người trong cung điện. Và lúc nào, ông cũng tỏ ra có nhiều ý kiến táo bạo, sắc sảo. Ông đã cho thi hành chính sách mới: Sửa đổi phép thi, buộc thí sinh phải thi môn toán và chính tả, mở thư viện quốc gia, lập trường học ở các phủ huyện, lấy ruộng công để làm học điền, cho sưu tầm gia phả các họ trong nước về kinh đô v.v... Những việc làm ấy rõ ràng có ý nghĩa như một chủ trương cải cách giáo dục. Về phương diện học thuật, Hồ Quí Ly cũng có những ý kiến mạnh dạn độc đáo. Ông vạch ra những chỗ đáng nghi ngờ trong kinh điển, hạ địa vị của Khổng Tử cho là không xứng đáng đứng đầu như mọi người thường ngưỡng mộ. Ông chỉ trích các nhà nho có uy tín đời Hán, đời Tống mặc dầu dư luận đã khẳng định họ là bậc thầy. Với ông, Hàn Dũ là một đạo Nho (nhà Nho ăn trộm) còn Trình Tử, Chu Tử là những người học rộng nhưng tài sơ, chỉ chuyên ăn cắp văn chương tư tưởng. Ông cũng khinh ghét bọn nệ cổ, hay viện những chuyện xưa ra làm khuôn phép, cho đó là kiểu “người câm hay nói, chỉ tổ mua cười”. Hồ Quý Ly còn dịch một số đoạn trong Kinh Thư ra chữ nôm để làm tài liệu giảng dạy cho vua và cung nữ. Những tài liệu trên đây, ngày nay đã mất song sử sách có chép lại rõ ràng, phải công nhận Hồ Quý Ly đã là người có những tư tưởng độc lập trong học thuật cũng như trong giáo dục. Không chỉ đối với đương thời, mà đặt ông vào cả quá trình tiến triển của lịch sử giáo dục phong kiến Việt Nam, cũng có thể thấy là không có nhiều trường hợp tương tự.

 

LÊ LỢI (1385 - 1433)

Lê Lợi là danh nhân lịch sử. Lê Lợi là của cả Việt Nam, điều đó thì đã rõ ràng. Nhưng Lê Lợi là người Thanh Hoá, nên khi nói đến con người xứ Thanh, trước tiên là phải nhắc đến ông.

Tuy nhiên, từ lâu, ta vẫn quen nhìn ở Lê Lợi một nhà lãnh tụ khởi nghĩa, một vị vua sáng nghiệp. Ta ngưỡng mộ ông trong lịch sử, chứ chưa quan tâm nhiều đến bản sắc văn hoá trong con người lỗi lạc này, và do đó, ta cũng ít có điều kiện nhận ra tính cách Thanh Hoá trong ông. Vì vậy, sau đây ta sẽ chú ý đến những khía cạnh:

1. Con người văn hoá ở Lê Lợi: con người có nhân.

2. Nét văn hoá độc đáo: Lê Lợi, con người giữa hai huyền thoại.

Lâu nay, nói về Lê Lợi, ta thường chỉ chú ý về mặt lịch sử, mặt chính trị. Nói đến con người, lại chỉ nhớ đến những hạn chế như việc giết hại công thần. Thật ra, điều rất đáng trân trọng ở ông là tính cách văn hoá của một nhân vật đặc sắc.

Ở Lê Lợi trước hết là phải thấy ở con người ông là cả một chân tình, một sự thành thực hiếm có. Ông rất thành thực với mình, thành thực với người. Ấy là một phẩm chất rất quan trọng của một nhà lãnh đạo, một người minh chủ. Lê Lợi tin vào các anh em của mình và đã có mối quan hệ ứng xử đúng đắn, thân thiện. Lê Lợi được anh em thủ hạ tin theo, sẵn sàng hy sinh vì ông. Lê Lai đổi áo để nhận lấy cái chết trong tay giặc, là bởi Lê Lai rất tin ông, tin vào lời ông yêu cầu, tin vào khả năng giải quyết khó khăn nguy hiểm, tin vào lòng chân thành của ông. Lòng tin của Lê Lai đã được chứng minh. Sự hy sinh giúp cho Lê Lợi thoát khỏi vòng vây, tiếp tục duy trì cuộc khởi nghĩa Lê Lợi đã chân thành đưa ra yêu cầu đổi áo. Và đến khi khởi nghĩa thành công, Lê Lợi cũng đã giữ vững chữ tín, thể hiện sự chân thật của mình. Bản Lai công thệ từ là một bằng chứng đẹp đẽ, cảm động và thiêng liêng về mối tình chân thật ấy.

Bàn về cái “chí ở thương sinh” của Lê Lợi, ta có thể thấy rõ tình thương, đến sự quan tâm tới đồng loại của ông. Nghiên cứu tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn, còn thấy rõ hơn nữa. Gia phả nhiều dòng họ cho biết nhiều tướng lĩnh Lam Sơn đã đến với Lê Lợi, và được xem như những người thân thích. Hình như đây là một cách sống của Lê Lợi, ông đã mong muốn và thực hiện cái mong muốn cho trang trại Như Áng, và sau đó là tập hợp Lam Sơn trở thành một đại gia đình. Những người đến Lam Sơn như cũng muốn cụ thể hoá ước muốn ấy, họ đã tới và mang theo cả thân nhân tộc thuộc gia nhập hẳn vào cái tổ chức mới mẻ này. Một tổ chức khá là đặc biệt: cũng là một thứ trang trại có ít nhiều dáng dấp điền trang thái ấp, nhưng lại có lối sống tự do riêng, có quan hệ khác với trang chủ là không chịu thân phận nô tỳ, cũng là một thứ sơn trại gồm những tay giang hồ hảo hán đang muốn tung hoành nên nhóm họp lại để chờ ngày chiến đấu; nhưng lại không phải ô hợp, nhốn nháo như nhóm lâu la dưới quyền một ông đầu nậu. Tất cả ở đây đều là anh em thân thích, kẻ gần người xa mà đúng là một họ một nhà. Đúng là “lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Cái nhân của Lê Lợi mang nét riêng, rất Việt Nam, không phải là thứ nhân nghĩa của giáo lý nhà nho, một phần là ở đó.

Lòng nhân từ của Lê Lợi còn thể hiện ở nhiều trường hợp trong quá trình khởi nghĩa. Nguyễn Trãi xuất phát từ đây mà soạn nhiều lá thư dụ hàng để tránh gây ra những cuộc tàn sát. Ta cũng đã biết về kỷ luật của nghĩa quân Lam Sơn qua những lời căn dặn của Lê Lợi: “Dân ta bị khổ sở vì chính sách tàn ngược của giặc đã lâu, hễ đi đến châu huyện nào cũng không được xâm phạm đến mảy may của dân” (Đại Việt thông sử). Ông thành thực thương mến nhân dân, nên đã được nhân dân thương lại. Bà con tích cực giúp đỡ nghĩa quân: truyện dân gian kể nhiều về đề tài nhân dân bảo vệ lãnh tụ. Đối với nội bộ tổ chức khởi nghĩa, với nhân dân là như vậy; còn đối với kẻ địch, với những người lầm đường lạc lối, lòng nhân của Lê Lợi lại thể hiện ở sự độ lượng, khoan hoà, rất nhất quán trước sau với tất cả các hạng người: Thái Phúc, Cầm Bành, Lương Nhữ Hốt. Tội nghiệp cho những kẻ không hiểu được lòng nhân của lãnh tụ, nên phải chuốc lấy sự trừng phạt mà họ đã được tha thứ nhiều lần.

Như vậy, Lê Lợi không những là người phát biểu chủ trương nhân nghĩa, có lý luận về nhân nghĩa trong đường lối khởi nghĩa, đường lối chiến tranh giải phóng, mà bản thân ông cũng là con người có nhân. Những người tụ nghĩa, và cả nước Đại Việt hồi bấy giờ đang mong mỏi một người có nhân. Thì người ấy là Lê Lợi.

Lê Lợi còn đi vào truyền thuyết dân gian với một hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn học dân gian nước ta. Chỉ ông mới là một con người xuất hiện giữa hai huyền thoại. Một huyền thoại mở đầu cho cuộc khởi nghĩa và một huyền thoại cuối để kết thúc bản anh hùng ca oanh liệt, mở kỷ nguyên mới cho Tổ quốc giang sơn. Câu chuyện được gươm thần và trả lại gươm thần là một tác phẩm dân gian tuyệt đẹp và rất hiếm có trong kho tàng cổ tích. Có thể phần gốc gác của nó, việc nhận gươm thần có liên quan đến những phong tục cổ sơ. Được thanh gươm mà lại được ở dưới nước, một chi tiết như nhắc nhở một lễ thức xa xôi nào. Thanh gươm biểu tượng cho sấm sét quyền uy. Gươm ở dưới nước là đã có sự hoà hợp âm dương, nóng lạnh, nước lửa, để bảo đảm được sự tồn tại, sự sinh sôi, sự an toàn trù phú. Ý nghĩa của thanh gươm dưới nước được vớt lên, rồi lại trả về cho nước là có liên quan với tín ngưỡng ban đầu của những người thời cổ mong mỏi sự hoà hợp trong ý đồ vừa trông chờ, vừa muốn chiến thắng thiên nhiên. Chắc chắn câu chuyện này ra đời sớm nhất vào cuối thế kỷ XV. Đầu đời Lê, khi Lê Lợi lên ngôi, chưa có tên hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm. Thời Lý, Trần, hồ này có tên là Lục Thuỷ, đời Lê Thái Tông, còn gọi là hồ Thủy Quân, là nơi để đua thuyền và tập thủy binh. Còn câu chuyện Lê Thận quăng lưới ở bến đò Mục Sơn được thanh gươm về đưa cho Lê Lợi có thể là một việc thực đã xảy ra. Chứng cớ là trong sách Lam Sơn thực lục, ở đoạn liệt kê danh sách công thần, đã có dòng cước chú về Lê Thận: “phong làm Văn Cường hầu, do ông ở Khả Lam, được lưỡi bảo kiếm” (do đắc bảo kiếm thiệt). Thực lục - (có lẽ phần nguyên văn) chỉ ghi như vậy, còn những việc tìm được vỏ kiếm, dắt lưỡi vào thì khớp nhau, được thêm cái ấn v.v..., đều ghi vào phần chú giải chứ không ở phần chính văn. Không biết ai làm chú giải, chỉ biết nó mới có trong những bản viết lại (hoặc sao chép lại) khoảng cuối thế kỷ XV sang đầu thế kỷ XVI. Vậy là sự tích gươm thần đã có vào thời gian đó rồi. Vua Lê đi chơi thuyền, nhìn thấy con rùa nổi lên mặt hồ, rồi ông đánh rơi mất thanh kiếm. Ấy cũng có thể là một chuyện thực. Hai việc tình cờ ở hai giai đoạn khác nhau, lại có liên quan đến một vật chung là bảo kiếm. Người ít khiếu tưởng tượng nhất cũng dễ dàng suy diễn mối liên quan, nữa là trí tuệ dân gian vốn có tài, tô điểm theo tư duy thẩm mỹ và cảm quan huyền thoại. Những mô típ rùa vàng, những sinh hoạt bơi thuyền v.v... cũng đều là những chất liệu quen thuộc. Ta cũng không loại trừ phần ảnh hưởng những phương pháp hư cấu nghệ thuật của các nho sĩ hay các vị pháp sư. Bấy nhiêu cơ sở và lý do để hình thành nên câu chuyện đẹp. Trời cho ông Lê Lợi được chiếc gươm thần để làm nhiệm vụ giúp dân cứu nước, tiêu diệt lũ ngoại xâm. Tác dụng của gươm thần này ghê gớm lắm. Nhiều mẫu “phụ đề” đã ly kỳ hoá thêm lưỡi gươm. Như chuyện ở vùng Thọ Xuân, có một ngọn núi không chịu quay đầu về Lam Sơn, dám tự tách mình ra khỏi cộng đồng dân tộc ... núi! Thế là Lê Lợi nổi giận, ông cầm gươm chỉ vào núi. Gươm nổi phép mầu, làm nên một cơn sấm sét. Núi bị sạt băng đi một mảng lớn và còn bị nhận cái tên là Bất Nghĩa Sơn. Phép mầu của gươm quý còn kỳ diệu hơn nữa. Từ nơi vây thành Đông Quan, lúc Lê Lợi giơ gươm chỉ về phía Lạng Sơn, cũng chính là lúc mà tên giặc Liễu Thăng ngã ngựa ở núi Mã Yên cho quân ta chặt lấy đầu. Gươm thần theo người anh hùng đi trong suốt cuộc đời chinh chiến và giúp nhà vua làm tròn nhiệm vụ trời giao. Giặc thù quét sạch rồi, nhà vua dạo chơi trên hồ, trời lại sai Rùa vàng đón thuyền ngự để xin “Bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”. Câu chuyện phải như thế mới kết thúc được chứ! Không có phần trả gươm có hậu này, thì tình tiết không thể trọn vẹn, thanh gươm chỉ là mảnh sắt nhặt được chứ không có gì chứng minh lai lịch của nó, lai lịch của một lưỡi gươm thần.

Chủ đề câu chuyện nhận gươm, trả gươm thật đã khá rõ và cũng đã được nhiều người hiểu một cách thống nhất không chút ngỡ ngàng. Đó là chủ đề chiến tranh và hoà bình, được nghệ thuật hoá một cách sinh động. Nhận gươm, là nhận lấy sứ mệnh phất cờ khởi nghĩa, chỉ đạo chiến tranh. Trả gươm là bởi đã hoàn thành trách nhiệm. Hoà bình đã được lập lại, đã đến giai đoạn xếp binh khí để cầm lấy quản bút, cán cày.

Được thanh gươm, Lê Lợi được trao cho cả sứ mệnh, lẫn vai trò lãnh đạo. Lưỡi gươm được lấy lên từ lòng nước, phải tự tay con người lao động đã tạo nên nền văn hoá sông nước, lúa khoai, trao lại cho kẻ xứng đáng đại diện cho tinh thần xứ sở quê hương. Thật là có ý nghĩa, khi ta nghe câu chuyện một người dân chài cộng sự với một người cày ruộng để chuẩn bị cho việc cứu nước diệt thù. Tại sao thanh kiếm không do một người nào khác trong nhóm thủ túc, bạn bè của Lê Lợi nhặt được, mà lại phải chính do vợ chồng bác dân chài Lê Thận mang đến cho chúa Lam Sơn. Sự tình cờ hay cái lý tất nhiên của một quê hương mà người dân chuyên sống về nông nghiệp và ngư nghiệp. Lê Lợi trước hết đã tìm đến liên hệ với người bạn láng giềng làm nghề chài lưới. Có cái gì ở đây như dáng dấp của một ý thức liên minh (theo cách hiểu về bản chất vấn đề) Lưỡi gươm! Một vật khá quen thuộc với truyền thống chiến đấu của dân tộc Việt Nam, trong huyền thoại cũng như trong sinh hoạt. Có nhiều thanh gươm đã là những bảo kiếm gia truyền của nhiều dòng họ, Lê Lợi nhận thanh gươm là nhận cả những gì thiêng liêng nhất của giống nòi. Việc khởi đầu là trịnh trọng, tôn quý, siêu trần. Việc kết thúc cũng nhiệm mầu, linh diệu. Rùa được phái làm sứ giả đến nhận lại gươm thần, có phải vẫn là sứ Thanh Giang, vẫn là thần Kim Quy, con vật linh thiêng đã có mặt, có vai trò trong nhiều cuộc tồn vong của đất nước? Ít người chú ý đến câu nói của Rùa khi đòi gươm ở Lê Lợi: Xin hoàn gươm lại cho Long Quân. Tức là cho vua Rồng, cho bố Rồng, cho Lạc Long Quân, vị thuỷ tổ của giống nòi ta. Gươm đã đi một chặng từ Lam Sơn về đến Kiếm hồ, cả một chặng đường non nước. Lê Lợi đã hợp lại cả non ấy nước ấy với sức mạnh của thanh bảo kiếm, cũng từ non nước mà ra. Sự thực mà dân gian phản ánh không mang giá trị tư liệu như những pho chính sử, song lại có tín hiệu thông tin riêng, óng ánh mầu nghệ thuật để làm lộ ra những vẻ đẹp hồn nhiên và chân thật.

 

LÊ THÁNH TÔNG (1442 - 1497)

Lê Thánh Tông là nhà chính trị, là danh nhân của cả nước Việt Nam. Nhưng ông cũng xứng đáng là một gương mặt rực rỡ của xứ Thanh. Là cháu nội của Lê Lợi, ông có gắn bó với Thanh Hóa, với tư cách là nhà văn hoá. Những vấn đề khá phong phú ở ông với tư cách là nhà chính trị, là nhân vật lịch sử, xin được lướt qua hoặc không nói đến. Ta chỉ chú ý ở đây:

Có hơn vài ba câu chuyện về Lê Thánh Tông khi ông chưa l&e