I.Tọa độ địa lý.

Bản đồ hành chính tỉnh Thanh Hóa

            Thanh Hoá là một tỉnh lớn của Bắc Trung Bộ có toạ độ địa lý:

            - Điểm cực Bắc: 20040’B (tại xã Tam Chung – huyện Quan Hoá)

            - Điểm cực Nam: 19018’B (tại xã Hải Thượng – Tĩnh Gia)

            - Điểm cực Đông: 106004’Đ (tại xã Nga Điền – Nga Sơn)

            - Điểm cực Tây: 104022’Đ (tại chân núi Pu Lang – huyện Quan Hóa)

            Thanh Hoá có lãnh thổ rộng lớn: 11.129,48 km2, là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 trong cả nước. Về vị trí địa lý, Thanh Hóa tiếp giáp với các tỉnh và nước bạn như sau:

            - Phía Bắc: giáp 3 tỉnh, gồm: Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình với đường ranh giới dài 175km.

            - Phía Nam : giáp Nghệ An với đường ranh giới dài 160 km

            - Phía Đông: giáp biển Đông với chiều dài đường bờ biển 102 km.

            - Phía Tây: giáp tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào với đường biên giới dài 192km.

            Thanh hoá nằm ở vị trí trung chuyển giữa các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam nước ta. Trong lịch sử nơi đây từng là căn cứ địa vững chắc chống ngoại xâm, là kho nhân tài vật lực phục vụ tiền tuyến.

            Tỉnh Thanh Hoá nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Với 102 km đường bờ biển ở đây có thể phát triển hoạt động du lịch, khai thác cảng biển; có đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt xuyên Việt và sân bay Thọ Xuân. Thêm vào đó, Thanh Hóa có quy mô diện tích lớn với nhiều vùng sinh thái khác nhau.

Đặc điểm về vị trí địa lý trở thành một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

II. Địa chất.

            Trong quá trình tồn tại, lãnh thổ Việt Nam nói chung và Thanh Hoá nói riêng đã trải qua nhiều chấn động địa chất lớn. Vỏ trái đất được cấu tạo phức tạp và trong quá trình thành tạo, chịu tác động của nhiều lực khác nhau, liên quan đến nhiệt năng trong lòng đất và năng lượng của mặt trời. Những quá trình nội sinh như tạo sơn, núi lửa, động đất… làm địa hình không đều và tạo thành các đá mắc ma và biến chất có liên quan đến chúng. Những quá trình ngoại sinh như phong hoá đá, tác động của nước, gió, băng hà xuất hiện biển… làm biến đổi địa hình và tạo ra đá trầm tích.

            Các chấn động uốn nếp làm nảy sinh hiện tượng tạo sơn mãnh liệt. Đoạn uốn nếp Tam Điệp là mốc kết thúc giai đoạn “biển tiến” tạo ra bán đảo Đông Dương. Do vận động địa chất lãnh thổ Thanh Hoá nâng lên thành núi, đồi uốn nếp, xếp nếp, chia khối phân tầng… phức tạp và đa dạng. Trải qua 120 triệu năm chịu ảnh hưởng của chấn động tạo sơn Himalaya, lục địa Thanh Hoá có hiện tượng nâng lên, lún xuống và tiếp tục bị phong hoá. Kết quả là một số núi biến thành đồi, một số vùng biển được lấp đi thành châu thổ phì nhiêu như hiện nay. Cũng do hiện tượng nâng lên lún xuống, mắc ma trào lên mặt đất và đáy biển hình thành nên những loại đá quý, những dãy núi granit.

III. Địa hình  

  1. Đặc điểm chung:

Địa hình Thanh Hoá khá phức tạp, chia cắt nhiều và thấp dần theo hướng Tây - Đông. Từ phía Tây sang phía Đông có các dải địa hình núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Trong tổng diện tích 11.129,48 km2 thì địa hình núi, trung du chiếm 73,3% ; đồng bằng 16% và vùng ven biển 10,7%.

  1. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành phát triển của địa hình.

Địa hình núi trung du gắn liền với hệ núi cao phía Tây Bắc và hệ núi Trường Sơn ở phía Nam. Đó là dải địa hình nằm ở rìa ngoài của miền Tây Nam Bắc Bộ đang được nâng lên, tiếp giáp với miền sụt võng là các đồng bằng châu thổ. Đây là những khu vực núi thấp uốn nếp được cấu tạo bằng nhiều loại đá khác nhau, từ các đá trầm tích (đá phiến, đá vôi, cát kết, cuội kết, sỏi kết…) đến các đá phun trào (riolit, bazan), đá xâm nhập (granit), đá biến chất (đá hoa). Chúng nằm xen kẽ với nhau, có khi lồng vào nhau và điều đó làm cho phong cảnh thay đổi không ngừng.

Địa hình đồng bằng được hình thành bởi sự bồi tụ của các hệ thống sông Mã, sông Chu, sông Yên.

Còn dải địa hình ven biển như sau: với các đảo đá vôi rải rác ngoài vụng biển, dòng phù sa ven bờ được đưa ra từ các cửa sông đã tạo nên những trầm tích dưới dạng mũi tên cát cô lập dần những khoảng biển ở phía trong và biến chúng thành những đầm nước mặn. Những đầm này về sau bị phù sa sông lấp dần, còn những mũi tên cát thì ngày càng phát triển rộng thêm, nối những cồn cát duyên hải thành những chuỗi dài chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam dạng xoè nan quạt.

  1. Các khu vực địa hình.

Bao gồm  có 3 dạng địa hình: núi và trung du; đồng bằng ven biển.

 - Địa hình núi có độ cao trung bình 600 -700m, độ dốc trên 250; ở đây có những đỉnh núi cao như Tà Leo (1560 m) ở hữu ngạn sông Chu, Bù Ginh (1291m) ở tả ngạn sông Chu.

- Địa hình trung du có độ cao trung bình 150 – 200m, độ dốc 12 - 200, chủ yếu là các dạng đồi thấp, đỉnh bằng, sườn thoải. Dạng địa hình này rất đặc biệt, chỉ nhấp nhô lượn sóng và rất thoải.

       Dạng địa hình núi và trung du phân bố ở 11 huyện miền núi của tỉnh; là điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nông - lâm nghiệp với các loại cây lâm sản và các cây như đậu, chè, lạc, mía… các cây trồng nói trên là cơ sở để phát triển ngành chế biến nông - lâm  sản của Thanh Hoá.

- Đồng bằng châu thổ Thanh Hoá được cấu tạo bởi phù sa hiện đại, trải dài trên một bề mặt rộng hơi nghiêng về phía biển ở mé Đông Nam. Rìa Bắc và Tây Bắc là dải đất cao được cấu tạo bởi phù sa cũ của sông Mã, sông Chu, cao từ 2 - 15m. Trên đồng bằng nhô lên một số đồi núi có độ cao trung bình 200 - 300m được cấu tạo bằng nhiều loại đá khác nhau. Còn vùng ven biển phân bố chủ yếu ở các huyện, thị xã: Sầm Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Tĩnh Gia. Trên địa hình này có các vùng sình lầy ở Nga Sơn và các cửa sông Mã, sông Yên… Vùng đất cát ven biển nằm ở phía trong các bãi cát, có độ cao trung bình từ 3 - 6m, ở phía Nam Tĩnh Gia, chúng có dạng sống trâu do các dãy đồi kéo dài ra biển. Bờ biển của đồng bằng Thanh Hoá là bờ biển phẳng với thềm lục địa tương đối nông và rộng. Trên địa hình ven biển này có nhiều bãi tắm nổi tiếng, như: Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Về địa hình của Thanh Hoá rất phong phú, đa dạng; là điều kiện để Thanh Hoá phát triển các ngành nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện và cho phép chuyển dịch cơ cấu dễ dàng trong nội bộ từng ngành. Nhiều cảnh quan đẹp kết hợp giữa rừng - biển - đồng bằng là điều kiện để phát triển du lịch, dịch vụ. Độ cao chênh lệch giữa các vùng miền núi, trung du, đồng bằng với nhiều hệ thống sông suối, tạo ra tiềm năng thuỷ điện khá phong phú…

IV. TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN.

1. Tài nguyên đất.

            Thanh Hóa có 14 nhóm đất chính với 28 loại đất khác nhau, đặc điểm các nhóm đất chính được giới thiệu trong bảng sau:

 

CÁC NHÓM ĐẤT CHÍNH CỦA THANH HÓA

Ký hiệu

Nhóm đất

Diện tích (ha)

Phân bố

1

2

3

4

E

Đất Feralit xói mòn trơ sỏi đá, phát triển trên các đá sa thạch, gnai

Thích hợp với các cây trồng lâm nghiệp lá nhọn, nhu cầu dinh dưỡng không cao

19.998

Phân bố rải rác ở nhiều nơi có địa hình vùng đồi ở Ngọc Lặc, Thường Xuân, Thạch Thành, Bỉm Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hóa

Fh

Đất mùn vàng đỏ trên núi

Thích hợp với cây lâm nghiệp và rừng tự nhiên

86.720

Phân bố trên núi cao 800m, như ở Quan Hóa, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát

Fa

Đất vàng nhạt trên đá macma axit

Thích hợp với cây ăn quả, cây công nghiệp

136.737

Phân bố ở Quan Hóa, Tây Bắc Lang Chánh, Thường Xuân

Fs

Nhóm đất đỏ vàng phát triển trên các loại đá mẹ khác nhau: macma bazơ, trung tính, axit, trầm tích, biến chất...

Thích hợp với cây lâm nghiệp, cây công nghiệp

335.537

Phân bố ở các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Bá Thước, Như Xuân, Như Thanh

Fk

Đất nâu đỏ phát triển trên đá macma bazơ và trung tính

Thích hợp với cây công nghiệp

44.268

Phân bố rộng rãi ở nhiều vùng thuộc các huyện vùng núi

Fp

Đất vàng nhạt trên phù sa cổ

Thích hợp với cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày

16.696

Phân bố rộng rãi ở nhiều vùng thuộc Nông Cống, Tĩnh Gia, Như Thanh

Fq

Đất vàng nhạt trên đá cát Thích hợp với cây lâm nghiệp

89.893

Phân bố rộng rãi ở nhiều vùng cát kết cổ thuộc Nông Cống, Tĩnh Gia, Như Thanh

Fj

Đất đỏ vàng trên đá biến chất

Thích hợp với cây lâm nghiệp, cây công nghiệp đặc thù

1.525

Phân bố ở huyện Như Xuân

Rr

Đất đen

Thích hợp với cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày

3.830

Tập trung nhiều ở vùng núi Nưa

Li,Ly

Đất lầy, than bùn

Thích hợp cho việc phát triển đồng cỏ

10.959

Phân bố trên các địa hình trũng khó thoát nước ở các huyện trung du miền núi Như Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Thạch Thành, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy

Ba

Đất bạc màu phát triển trên đá sản phẩm dộc tụ và trên phù sa cổ

Thích hợp với cây họ đậu và lúa một vụ

26.538

Phân bố trên các địa hình bằng phẳng có nguồn gốc đồng bằng cổ có độ cao tuyệt đối cao hơn các đồng bằng phù sa

P

Đất phù sa: Bao gồm loại được bồi hàng năm và loại không được bồi hàng năm, đất phù sa glây và phù sa úng nước vào mùa hè

Thích hợp cho cây lúa

141.275

Tập trung chủ yếu ở đồng bằng, một phần ở ven biển và trung du miền núi thuộc các huyện: Triệu Sơn, Thọ Xuân, Nông Cống, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Hà Trung, Nga Sơn, Cẩm Thủy

M

Đất mặn

Thích hợp trồng cói, nuôi thủy sản và làm muối

12.004

Tập trung ở 6 huyện, thị xã ven biển và khoảng 650ha ở huyện Nông Cống

Cc

Đất cát bãi, cát biển (trồng rau quả, cây công nghiệp ngắn ngày)

Thích hợp với cây công nghiệp ngắn ngày, rau màu

15.961

Tập trung ở 6 huyện, thị xã ven biển

 

Tổng

1.112.033

 

Nguồn: Theo số liệu điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,

              Địa chí Thanh Hóa, tập 1 và có điều chỉnh với số liệu chung

 

2. Tài nguyên khí hậu

            Do sự tác động của các nhân tố: vĩ độ địa lý, quy mô lãnh thổ, vị trí trong hệ thống hoàn lưu gió mùa trong á địa ô gió mùa Trung - Ấn, hướng sơn văn, độ cao và vịnh Bắc Bộ mà Thanh Hoá có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm với mùa hè nóng, mưa nhiều có gió Tây khô nóng; mùa đông lạnh ít mưa có sương giá, sương muối lại có gió mùa Đông Bắc theo xu hướng giảm dần từ biển vào đất liền, từ Bắc xuống Nam. Đôi khi có hiện tượng dông, sương mù, sương muối làm ảnh hưởng không nhỏ tới cây trồng nông nghiệp.

            Nhiệt độ không khí trung bình năm là 22 - 230C, song phân hóa rất khác nhau theo từng tháng và giữa các vùng. Chênh lệch về cực trị của nhiệt độ trong năm cũng rất lớn: mùa hè, nhiệt độ tối cao có thể đạt tới 410C, song về mùa đông, nhiệt độ có thể hạ thấp xuống dưới 20C ở vùng núi, kèm theo sương giá, sương muối.

            Lượng mưa trung bình phổ biến là 1.700mm, song có một số vùng đồi núi, lượng mưa lại rất cao. Ở vùng đồi núi, tốc độ gió tương đối đều trong năm, dao động trung bình từ 1 - 2m/s. Còn ở vùng đồng bằng ven biển, tốc độ gió có thể có sự chênh lệch ở các huyện ven biển vào mùa bão lụt từ tháng 6 đến tháng 11. Do sự chi phối của địa hình và những tương tác với các vùng lân cận mà Thanh Hoá có sự phân dị về khí hậu theo vùng, với 3 vùng khí hậu đặc trưng:

            - Vùng đồng bằng, ven biển: có nền nhiệt độ cao, mùa đông không lạnh lắm, ít xảy ra sương muối, mùa hè nóng vừa phải. Mưa ở mức trung bình và có xu hướng tăng dần từ phía Bắc vào phía Nam. Lượng mưa lớn nhất vào tháng 9 và ít nhất vào các tháng 2, 3. Mưa phùn vào các tháng cuối mùa lạnh (1, 2 và 3), đôi khi kéo dài hàng tuần lễ. Có hai thời kỳ khô ngắn và không ổn định vào đầu hè (tháng 5 và 6) và vào các tháng 10, 11. Từ tháng 7 đến tháng 11, có nhiều cơn bão xuất hiện và có thể gây ảnh hưởng lớn đến các huyện ven biển của tỉnh. Thiên tai thường xảy ra là bão, nước dâng trong bão, mưa lớn gây úng, lụt, lũ tập trung vào tháng 9 hàng năm. Hạn và rét đậm kéo dài vào thời gian từ tháng 12 đến tháng 2. Ngoài ra, lốc, vòi rồng, mưa đá có thể xảy ra ở vùng này với tần suất thấp.

            - Vùng trung du: có nhiệt độ cao vừa phải, mùa đông tương đối lạnh, có sương muối nhưng ít. Mùa hè nóng vừa phải, khu vực phía Nam nóng hơn do ảnh hưởng của gió tây khô nóng. Mưa khá nhiều, đặc biệt ở khu vực Như Xuân, Như Thanh, Lang Chánh, Thường Xuân (trên 2.000 mm/năm), Hồi Xuân (1.870mm/năm). Độ ẩm lớn, gió không mạnh lắm. Thiên tai chủ yếu là mưa lớn, gió tây khô nóng, rét đậm kéo dài, lũ đột ngột, kể cả lũ bùn đá, lũ ống và lũ quét. Lượng mưa cao, có khả năng gây lũ ống, lũ quét vào tháng 7 - tháng 8.

            - Vùng đồi núi cao: bao gồm các huyện Quan Hoá, Quan Sơn, Mường Lát, phần Tây Bá Thước, Yên Khương của Lang Chánh, Yên Nhân, Bát Mọt, Xuân Khao của Thường Xuân. Nền nhiệt độ nói chung thấp, mùa đông khá rét, nhiệt độ thấp nhất có thể dưới 00C, sương muối nhiều và một số nơi có sương giá với tần suất 1 ngày/1 năm. Khi có sương giá, sương muối làm cho một số cây ăn quả có thể bị chết hàng loạt. Vào mùa hè, lũ có thể xuất hiện vào thời gian tháng 7 - 8.

            Mùa hè dịu mát, ảnh hưởng của gió tây khô nóng không lớn, biên độ nhiệt năm nhỏ, lượng mưa, số ngày mưa, mùa mưa khác biệt khá nhiều theo các tiểu vùng. Mùa đông ít mưa. Độ ẩm không lớn lắm (trừ khu vực cao trên 800m mới có độ ẩm lớn và mây mù nhiều). Gió nói chung yếu, tốc độ trung bình từ 1,3 - 2m/s.

            Lượng mưa lớn, nhiệt độ cao, ánh sáng dồi dào là các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông lâm ngư nghiệp. Với chế độ nhiệt ẩm như vậy, đồng thời do sự phân dị phức tạp về địa hình mà Thanh Hoá có nhiều vùng có chế độ vi khí hậu khác nhau, tạo điều kiện phát triển các cây trồng nhiệt đới và cả các cây trồng á nhiệt đới, tạo nên sự đa dạng của hệ thống cây trồng. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh vùng núi phía Bắc có mùa đông lạnh, khí hậu vùng núi Thanh Hoá cũng thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết đặc biệt như sương muối, sương giá vào mùa đông, bão, lụt, áp thấp nhiệt đới về mùa mưa và hạn hán về mùa khô, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp và đời sống con người. Vì vậy, việc lựa chọn cây trồng thích hợp với từng tiểu vùng khí hậu là điều cần thiết.

3. Tài nguyên nước và mạng lưới sông ngòi

3.1. Tài nguyên nước

            Tài nguyên nước của Thanh Hoá khá phong phú. Tổng lượng nước mưa rơi xuống lãnh thổ hàng năm là 19 tỷ mét khối, lượng bốc hơi trung bình là 9 tỷ mét khối, còn lại 9,7 tỷ mét khối nước sinh ra dòng chảy mặt và 0,3 tỷ mét khối sinh ra dòng chảy ngầm. Hàng năm hệ thống sông đổ ra biển 20 tỷ mét khối nước, trong đó có 9,7 tỷ mét khối nước sinh ra trên lãnh thổ Thanh Hoá còn lại là nước sinh ra ở Tây Bắc và Lào.

            Modul dòng chảy mặt trung bình 20,4 - 38 lít/s/km2. Vùng đồng bằng biến thiên từ 20 - 30 lít/s/km2, ở miền đồi núi trên 30 lít/s/km2, lớn nhất là tại lưu vực sông Âm: 38 lít/s/km2. Chất lượng nước mặt khá tốt, trừ vùng hạ lưu vào mùa kiệt do chịu ảnh hưởng của thuỷ triều.

            Modul dòng chảy ngầm biến thiên từ 2 lít/s/km2 đến 20 lít/s/km2. Khu vực trung lưu sông Mã có modul dòng ngầm trên 20 lít/s/km2. Nhìn chung, chất lượng nước ngầm tốt, trừ một số khu vực ngoại vi thành phố Thanh Hoá, thị xã Sầm Sơn, nước ở tầng mặt đã bị ô nhiễm. Các khu vực cửa sông, ven biển nước ngầm bị nhiễm mặn.

            - Nước ngầm: Ở Thanh Hoá, nước ngầm khá phong phú cả về trữ lượng và chủng loại bởi chúng xuất hiện ở đầy đủ các loại đất đá: trầm tích, biến chất, macma và phun trào. Thanh Hoá có các loại hình nước dưới đất như sau:

            * Nước lỗ hổng: Tồn tại trong các thành vách núi, được tạo bởi nguồn gốc trầm tích biển, sông biển tuổi holoxen (tầng QIV), phân bố ở các địa hình đồng bằng bằng phẳng, độ cao tuyệt đối từ 7 đến 15 mét, nằm ở độ sâu từ 0 đến 35 mét. Ngoài ra, còn có nước lỗ hổng trong các thành tạo trầm tích có nguồn gốc sông lũ tuổi pleixtoxen (tầng QI-III), tầng này nằm ở dưới hoặc chỉ lộ ra ở một số vùng chân núi. Cả hai tầng chứa nước này đều có khả năng chứa nước kém, với tỷ lưu lượng từ 0,2 đến 11 lít/s.m, có quan hệ thuỷ lực với nước mặt. Độ tổng khoáng hoá dao động từ 0,1-5g/lít, nhiều nơi, tầng nước này bị nhiễm mặn. Vì vậy, khả năng khai thác chỉ đáp ứng các nhu cầu nhỏ trong sinh hoạt và sản xuất.

            * Nước khe nứt: Tồn tại trong các đá cứng nứt nẻ có thành phần khác nhau, phân bố ở các khu vực đồi núi. Nước có chất lượng tốt với độ tổng khoáng hoá < 1mg/lít, song phân bố rất phức tạp phụ thuộc vào cấu trúc địa chất của từng vùng. Hiện nay, việc khảo sát thăm dò các khu vực này còn rất hạn chế.

3.2. Mạng lưới sông suối

            - Các hệ thống sông chính: Thanh Hoá có 5 hệ thống sông chính là sông Hoạt, sông Mã, sông Yên, sông Lạch Bạng và sông Chàng.

            + Sông Hoạt: Sông bắt nguồn từ núi Hang Cửa, vùng Yên Thịnh (Hà Trung) có diện tích lưu vực tính đến cầu Chính Đại (cách cửa sông 13km) là 250km2. Sông dài 55km, chảy qua huyện Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn và men theo tạo địa giới giữa huyện Nga Sơn và huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Do vị trí của sông nằm trong khu vực ít mưa (dưới 1.500mm), lại chảy qua nhiều vùng đá vôi nên dòng chảy mùa kiệt rất nghèo nàn và bị ảnh hưởng mạnh của thuỷ triều. Vào mùa mưa, do địa hình lòng chảo nên sông tiêu nước chậm và thường xuyên gây úng lũ ở Hà Trung (Hà Bắc, Hà Yên, Hà Giang, Hà Vân) và Nga Sơn.

            + Sông Mã: Đây là hệ thống sông lớn nhất tỉnh. Dòng chính dài 528km, bắt nguồn từ độ cao 800 - 1.000m ở vùng Điện Biên Phủ, sau đó chảy qua Lào (118km) và vào Thanh Hoá ở phía Bắc bản Sóp Sim (Mường Lát). Chiều dài sông Mã ở địa phận Việt Nam là 410km, riêng tỉnh Thanh Hoá 242km. Toàn bộ diện tích lưu vực là 28.106km2, trong đó phần bên nước bạn Lào là 7.913km2, phần Việt Nam là 20.193km2, riêng Thanh Hoá gần 9.000km2. Sông Mã có 89 phụ lưu, các phụ lưu chính trên đất Thanh Hoá gồm suối Sim (40km), suối Quanh (41km), suối Xia (22,5km), sông Luồng (102km), sông Lò (74,5km), Hón Nủa (25km), sông Bưởi (130km), sông Cầu Chày (87,5km), sông Chu (325km). Hệ thống sông Mã có thể cho công suất lý thuyết là 1.890.020Kw, với sản lượng điện là 12,07 tỷ Kw/h. Bình quân trên 1km chiều dài, sông Mã cho 3.578Kw. Hiện đã xây dựng trên hệ thống sông Mã nhà máy thuỷ điện Cửa Đạt có công suất lắp máy 140Mw.

            + Sông Yên. Bắt nguồn từ xã Bình Lương (Như Xuân), ở độ cao 100 - 125m, chảy xuống đồng bằng Nông Cống, Quảng Xương và đổ ra biển ở lạch Ghép. Sông dài 94,2km, trong đó gần 50km ở miền đồi núi. Diện tích lưu vực là 1.996km2. Sông Yên có 4 sông nhánh là sông Nhơm (66,9km), sông Hoàng (81km), sông Lý (27,5km) và sông Thị Long (50,4km).

            + Sông Lạch Bạng bắt nguồn từ vùng núi Huôn, xã Phú Lâm (Tĩnh Gia), ở độ cao 100m, chảy qua vùng núi Tĩnh Gia, tới Khoa Trường bắt đầu xuống đồng bằng và đổ ra biển ở cửa Bạng. Sông dài 34,5km, trong đó 18km ở vùng núi. Diện tích lưu vực là 236km2.

            + Sông Chàng. Đây là con sông duy nhất ở tỉnh đổ ra tỉnh khác (Nghệ An). Sông Chàng là một nhánh của sông Hiếu (Nghệ An). Diện tích lưu vực sông ở đoạn Thanh Hoá khoảng 250km2.

            Ngoài các sông tự nhiên trên đây, Thanh Hoá còn có một hệ thống các sông và kênh, mương nhân tạo. Thời phong kiến có hệ thống kênh đào nhà Lê. Thời hiện đại có hệ thống kênh của công trình thuỷ lợi đập Bái Thượng, các công trình thuỷ lợi Bắc sông Mã, Nam sông Mã, sông Quảng Châu, v.v...

4. Tài nguyên sinh vật

4.1. Thực vật: Do nằm ở vị trí trung gian giữa các hệ thực vật Himalaya, Hoa Nam, Ấn Độ - Myanmar, Malaysia - Indonesia và sự tác động của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa trên nền thổ nhưỡng và địa hình khác nhau, Thanh Hoá có hệ thực vật rất phong phú. Rừng Thanh Hoá tập trung một số loại thảm thực vật tiêu biểu sau:

            - Rừng nhiệt đới ở đai thấp: Các loại rừng này phân bố ở độ cao thường dưới 500m và chiếm diện tích lớn nhất tỉnh. Thành phần loài trong thảm thực vật rất phong phú, các loại cây gỗ chiếm ưu thế là các cây thuộc họ đậu, họ dầu, họ xoan, họ bồ hòn, v.v.. Ở đai thấp, hầu như không có cây hạt trần.

            - Rừng cận nhiệt đới trên núi: Loại rừng phân bố ở độ cao từ 500m tới 1.600m (còn gọi là rừng nhiệt đới trên núi thấp).

            - Rừng trồng: Rừng trồng ở Thanh Hoá đã được chú trọng phát triển từ lâu.

            Rừng Thanh Hoá chủ yếu là rừng lá rộng, thường xanh, có hệ thực vật phong phú, đa dạng về họ, loài... Gỗ quý hiếm có lát, pơ mu, trầm hương. Gỗ nhóm II có sa mu, lim xanh, táu, sến. Gỗ nhóm III, IV có vàng tâm, dổi, de, chò chỉ... Các loại thuộc họ tre, nứa có luồng, nứa, vầu, giang, bương, tre. Ngoài ra, còn có mây, song, dược liệu, cánh kiến đỏ...

            - Hệ thống rừng đặc dụng: Theo tiêu chuẩn quốc gia, Thanh Hóa có một số rừng đặc dụng như: Vườn quốc gia Bến En (rộng 16.000ha ở các huyện Như Xuân, Như Thanh), vườn quốc gia Cúc Phương (phần thuộc tỉnh Thanh Hóa gồm các xã Thạch Lâm và Thành Mỹ, huyện Thạch Thành), Khu bảo tồn cây gỗ sến rộng 300ha ở xã Tam Quy, huyện Hà Trung. Khu bảo tồn Pù Luông, Xuân Nha. Ngoài ra, có các khu bảo tồn gen gắn với di tích lịch sử - văn hóa như: khu Lam Kinh (bảo tồn rừng Lim), khu đền Bà Triệu với rừng thông nhựa (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), khu vườn rừng Hàm Rồng, khu vườn thực vật thị xã Sầm Sơn.

4.2. Động vật: Những kết quả điều tra cho thấy ở Thanh Hoá hệ động vật rừng rất phong phú và đa dạng, bao gồm cả động vật trên cạn lẫn động vật dưới nước, cả động vật bản địa lẫn động vật di cư đến, cả động vật tự nhiên lẫn động vật do con người tạo ra, v.v.. Thanh Hoá có một số dạng quần cư động vật chính như: quần cư động vật đồng ruộng đồng bằng và đồi thấp; quần cư động vật ở rừng tre, nứa, vầu, giang; quần cư động vật ở rừng cây bụi, trảng cỏ; quần cư động vật ở rừng gỗ và trảng cây; quần cư động vật nước ngọt...

            Thanh Hoá có nhiều loài động vật đã được ghi vào sách Đỏ, bao gồm:

            - Các loài đang bị tiêu diệt như: nhóm thú voọc mông trắng, voọc vá, voọc đen tuyền, vượn đen bạc má, gấu đen, gấu ngựa, báo mai hoa, hổ, voi, hươu sao, bò tót, sơn dương, trâu rừng; nhóm chim có trĩ, gà lôi; nhóm bò sát, lưỡng cư có rắn hổ mang chúa.

            - Các loài sắp bị tiêu diệt: nhóm thú cu li nhỏ, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, khỉ đuôi lợn, voọc xám, báo lửa, báo gấm, cheo cheo nam dương, tê tê, sóc bay; về chim có cò chìa, hồng hoàng; về bò sát lưỡng cư có kỳ đà nước, thằn lằn, rắn hổ trâu, rùa híp, rùa núi vàng, giải. Nhóm động vật không xương sống có trai cóc hình tai, cà cuống; về thú có cầy mực, dơi thuỳ frit, sóc bay lông tai; về chim có bồ nông chân xám, choắt chân vàng lớn, mòng biển mỏ đen; về động vật không xương sống có cua Kim Bôi, cua Cúc Phương. Một số loài khác như tắc kè, rắn cạp nong, rắn hổ mang cũng có nhiều song cũng đang bị săn bắt quá mức nên số lượng suy giảm nhanh chóng...

5. Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên Khoáng sản Thanh Hóa

            Thanh Hoá là một trong số ít các tỉnh ở nước ta có nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú và đa dạng, có những tiền đề địa chất khá thuận lợi cho các quá trình tạo khoáng. Kết quả điều tra đến nay cũng đã cho thấy lãnh thổ Thanh Hoá có nhiều loại hình khoáng sản khác nhau, bao gồm:

            - Kim loại sắt và hợp kim sắt: Có quặng sắt, sắt - mangan và sa khoáng. Các mỏ quan trọng là Thanh Kỳ (Như Xuân, trữ lượng 2,5 triệu tấn), Tam Quy (Hà Trung, trữ lượng gần 200.000 tấn), Làng Sam (Ngọc Lặc, trữ lượng ước 600.000 tấn), mỏ sắt - mangan Cổ Định trữ lượng ước trên 9 triệu tấn; quặng inmenit có ở bờ biển Sầm Sơn - Quảng Xương trữ lượng 73.500 tấn; quặng crômit dạng sa khoáng ở Cổ Định (Triệu Sơn) trữ lượng khoảng 18,6 triệu tấn đã được phát hiện và khai thác từ thời Pháp và crômit dạng gốc ở Làng Mun (Ngọc Lặc) trữ lượng có khả năng lớn song chưa xác định. Cromit là loại khoáng sản đặc biệt mà ở Việt Nam thì chỉ riêng Thanh Hoá mới có. Với trữ lượng khai thác hàng năm hiện nay của mỏ chỉ trên 10.000 tấn thì tiềm năng, khả năng phát triển công nghiệp liên quan đến khai thác và chế biến crômit ở Thanh Hoá còn rất nhiều hứa hẹn.

            - Kim loại màu và kim loại hiếm: Đã phát hiện thấy 7 mỏ và điểm quặng chì - kẽm, trong đó mỏ Quan Sơn (Tân Trường, huyện Tĩnh Gia) trữ lượng ước tính 121.000 tấn; antimoan có 6 mỏ và điểm quặng phân bố ở Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Quan Hoá với trữ lượng phát hiện được là không lớn, song cần điều tra thêm; niken - coban có lẫn trong quặng crômit Cổ Định, trữ lượng khoảng 137.840 tấn niken và 27.570 tấn coban; quặng đồng có ở Lương Sơn (Thường Xuân), nhưng trữ lượng nhỏ; đồng, thiếc và thiếc - vonfram có trữ lượng nhỏ và phân bố ở Thường Xuân (các mỏ Bù Me, làng Tôm và đồi Tròn). Ngoài ra, còn các quặng molipđen, thuỷ ngân ở rải rác nhiều nơi nhưng trữ lượng nhỏ. Riêng quặng vàng, đã phát hiện thấy nhiều mỏ và điểm khoáng sản vàng ở nhiều nơi thuộc Như Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Quan Hoá, Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Bá Thước. Đó là các loại khoáng hoá vàng hoặc vàng gốc thuộc thành hệ thạch anh - vàng - sunfua, đa kim, tồn tại trong các đới dập vỡ, thành mạch riêng của các đá phun trào axit hoặc trong đá vôi. Nhiều điểm mỏ đã được điều tra kỹ như mỏ Ban Công ở Bá Thước trữ lượng cấp C1 đạt 321kg, mỏ Cẩm Quỳ (Cẩm Thủy) trữ lượng cấp C1 đạt 263kg, mỏ Làng Bẹt (Cẩm Thuỷ) trữ lượng cấp C1 đạt 150kg. Ngoài  ra, còn rất nhiều mỏ khác như vàng gốc Cẩm Tân (Cẩm Thủy), vàng gốc làng Nèo, Ban Công (Bá Thước), Eo Khanh, Thạch Cẩm (Thạch Thành), Xuân Chính, Xuân Thắng (Thường Xuân), Thanh Quân (Như Xuân), vàng sa khoáng còn có ở nhiều nơi thuộc huyện Như Xuân, Thường Xuân, Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thủy.

            - Nguyên liệu hoá chất - phân bón: Có secpentin phân bố ở khu vực núi Nưa, là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất phân lân, với trữ lượng 15 triệu tấn và hiện đang khai thác tại bãi Áng (Nông Cống); quặng photphorit có ở Cao Thịnh (Ngọc Lặc) có trữ lượng 74.698 tấn, Hàm Rồng (thành phố Thanh Hoá) có trữ lượng 24.500 tấn, Cao Thịnh - Yên Lâm có trữ lượng 125.000 tấn; quặng đôlômit ở núi Long (thành phố Thanh Hoá) có trữ lượng 4,7 triệu tấn và đồng Vựa (Nga An, huyện Nga Sơn), có trữ lượng 1 triệu tấn. Ngoài ra, photphorit còn có ở nhiều nơi khác trong tỉnh như ở huyện Thường Xuân, Thọ Xuân, Cẩm Thuỷ, Hà Trung. Đôlômit cũng rất phong phú ở Ngọc Long (thành phố Thanh Hoá), Nhân Sơn (huyện Nga Sơn), đây là nguyên liệu trợ dụng cho sản xuất thép, thuỷ tinh ở lò cao. Pyrit cũng có ở nhiều nơi trong tỉnh, là nguyên liệu tốt cho việc sản xuất một số loại hoá chất, hoặc barit là vật liệu cần thiết cho một số ngành sản xuất (như khoan dầu khí, chế tạo cao su...) song trữ lượng còn chưa được đánh giá cụ thể.

            - Nguyên liệu cho sản xuất sành, sứ, thuỷ tinh và vật liệu xây dựng: Có cao lanh với tổng trữ lượng ước tính 5 triệu tấn và phân bố ở bến Đìn, làng Cày (Thường Xuân), làng En (Lang Chánh), Kỳ Tân (Bá Thước), Quyền Cây (Bỉm Sơn); sét trắng có trữ lượng nhỏ và phân bố ở núi Bợm (Tĩnh Gia), Tập Cát (Minh Thọ, Nông Cống); quặng macsalit ở Đồng Khang (Triệu Sơn) khoảng 4,3 triệu tấn, Các Sơn (Tĩnh Gia), Mỹ Tân (Ngọc Lặc); quặng fenspat có ở núi Trường Lệ (Sầm Sơn) và núi Hoằng Trường (Hoằng Hoá); cát thuỷ tinh có trữ lượng hàng chục triệu tấn và phân bố ở Tĩnh Gia; đá, cát, sỏi, sét xây dựng có trữ lượng rất lớn và phân bố khá rộng rãi ở nhiều vùng; quặng puzơlan ở Thăng Long (Nông Cống), trữ lượng 4,7 triệu tấn; cát kết chịu lửa ở núi Bợm (Tĩnh Gia); đá hoa có ở nhiều nơi, đáng chú ý là đá hoa khe Cang, Na Mèo (huyện Quan Sơn), Trung Sơn (huyện Quan Hoá), Định Thành (Yên Định), Yên Duyên (Bỉm Sơn), núi Vức (Đông Sơn); đá vôi làm xi măng trữ lượng trên 370 triệu tấn, chất lượng tốt và phân bố khá rộng rãi.

             - Nhiên liệu: Than bùn có ở tất cả các huyện với tổng trữ lượng 3 triệu tấn; than đá có trữ lượng nhỏ và phân bố ở Cẩm Yên, Cẩm Ngọc, Cẩm Phú, Phúc Mỹ (Cẩm Thuỷ), Tuy Hoá (Đông Sơn), Hà Long (Hà Trung), v.v..

            Ngoài ra, Thanh Hoá còn một số loại khoáng sản khác: thạch anh tinh thể ở Thường Xuân; đá quý như topa, canxedoan, berin ở Thường Xuân; graphit ở Quan Hoá; nước khoáng ở một số điểm thuộc các huyện Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh và Quan Hoá.

6. Tài nguyên biển và ven biển

Bản đồ tài nguyên biển Thanh Hóa

            Vùng biển Thanh Hoá có diện tích 17.000 - 18.000km2, gấp 1,6 lần diện tích đất liền. Đường bờ biển có dạng cánh cung dài 102km. Bờ biển tương đối phẳng, nhưng bị chia cắt bởi 7 cửa lạch. Các cửa sông đều là những khu vực tự nhiên rất nhạy cảm và có năng suất sinh học cao. Từ Nam Sầm Sơn đến Quảng Xương có inmenhit, trữ lượng 73.500 tấn. Đây là loại nguyên liệu quan trọng để sản xuất que hàn, men sứ. Bờ biển Tĩnh Gia có trữ lượng lớn cát trắng để sản xuất thuỷ tinh. Các bãi triều rộng ở Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Quảng Xương... là nơi nuôi trồng thuỷ sản. Ven bờ cũng có nhiều đồng muối ở Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Tĩnh Gia.

            Ven biển Thanh Hoá có đảo hòn Nẹ cao, đảo hòn Mê, cụm đảo Nghi Sơn và hàng loạt đảo nhỏ như: hòn Đót, hòn Miệng, hòn Vạt, hòn Góc, v.v.. Diện tích đảo của tỉnh khoảng 800ha. Về mặt tài nguyên và môi trường, có thể xây dựng các khu bảo tồn biển xung quanh các đảo nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học biển đồng thời cũng là cơ sở cho hoạt động du lịch. Với vị trí của mình các đảo này có vai trò tiền tiêu trong việc bảo vệ đất liền song các đảo này cũng chính là điểm tựa để phát triển kinh tế hướng ra biển.

            Dải ven bờ biển Thanh Hoá có diện tích bãi triều trên 8.000ha (chưa tính bãi triều 2 huyện Nga Sơn và Hậu Lộc mỗi năm bồi tăng thêm từ 10 - 50m) là nguồn tài nguyên lớn về nuôi trồng thuỷ sản nước lợ như tôm sú, tôm he, cua và rong câu... Diện tích nước mặn khoảng trên 5.000ha, phân bố chủ yếu ở vùng đảo Mê, Biện Sơn có thể nuôi cá song, cá cam, trai ngọc, tôm hùm dưới hình thức nuôi lồng bè. Ngoài ra với hàng ngàn hecta vùng nước mặn ven bờ, thuận lợi nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ như ngao, sò, ngán... Đặc biệt là với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, khu kinh tế Nghi Sơn đã và đang được xây dựng (theo Quyết định 102/2006 của Thủ tướng Chính phủ) với nhiều hạng mục công trình lớn như: cảng nước sâu, nhà máy xi măng, sân bay... sẽ mở ra nhiều hướng phát triển mới cho dải ven biển nói riêng cũng như cho cả tỉnh nói chung./.

(Theo Cổng thông tin UBND tỉnh Thanh Hóa)

 Tin xem nhiều
 Thông báo
 Liên kết
Thống kê: 4.689.751
Online: 20