Những năm trở lại đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Thanh Hóa liên tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Không những vậy, hàng hóa sản xuất trong tỉnh cũng ngày càng được nâng cao sức cạnh tranh ngay trên chính "sân nhà".

Công nhân Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa (Khu Công nghiệp Lễ Môn) trong ca sản xuất.

Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh hiện có 185 DN tham gia xuất khẩu (XK) hàng hóa, với 55 chủng loại hàng hóa được XK ổn định sang 47 thị trường. Các thị trường XK có kim ngạch lớn của tỉnh trong năm 2021, gồm: Mỹ đạt 765,6 triệu USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ; Nhật Bản đạt 565,4 triệu USD, tăng 2,24 lần so với cùng kỳ; Trung Quốc đạt 198,3 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ; Malayxia đạt 26,2 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ; Singapore đạt 52,7 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ...

Được biết, để nâng cao năng lực hội nhập cho các DN tham gia sản xuất, thương mại trên thị trường quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể, đặc biệt là về các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung hiệp định và các thông tin liên quan đến hợp tác quốc tế trên phương tiện truyền thông, như: Các cuộc lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán; các DN nước ngoài thăm và làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thanh Hóa; các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các quy hoạch và các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, công tác đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính...

Sở Công Thương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế và chỉ đạo chương trình xuất khẩu, cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tổ chức các hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn để hỗ trợ các DN và công chức phụ trách lĩnh vực hội nhập nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng thích ứng trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, hỗ trợ các DN tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, đồng thời hạn chế những rủi ro không đáng có trong giao dịch thương mại với các đối tác nước ngoài. Hiện nay, các DN trong tỉnh đang vận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực để mở rộng thị trường, như: Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, Việt Nam - ASEAN, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Nhật Bản... để khai thác thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh và XK hàng hóa.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường thành viên CPTPP là 1,91 tỷ USD, thị trường thành viên EVFTA là 1,64 tỷ USD, thị trường hàng hóa sang thị trường thành viên UKVFTA là 0,33 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng từ thị trường thành viên CPTPP là 1,18 tỷ USD, thị trường thành viên EVFTA là 0,75 tỷ USD, thị trường thành viên UKVFTA là 0,01 tỷ USD. Toàn tỉnh hiện có 61 DN XK sang thị trường CPTPP, 52 DN XK sang các nước thành viên EVFTA, 5 DN XK sang các nước thành viên UKVFTA.

Để đáp ứng được yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian tới, ban hội nhập kinh tế quốc tế và chỉ đạo chương trình xuất khẩu đang tập trung triển khai công tác hỗ trợ đi vào chiều sâu để vừa phù hợp với các cam kết quốc tế, vừa đáp ứng được tình hình thực tế của DN. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; các nội dung, chính sách của Chính phủ và của tỉnh về hội nhập kinh tế trên địa bàn tỉnh đến các DN và tầng lớp Nhân dân. Tăng cường mối quan hệ hợp tác lâu dài, cùng có lợi giữa tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế nhằm phát huy vai trò hội nhập kinh tế thông qua các hoạt động đối ngoại, giao lưu, hợp tác quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình đã đề ra. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, xóa bỏ những quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo đảm thích ứng với những thay đổi trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập. Có chính sách thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành kinh tế của tỉnh thông qua nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.

(Nguồn:baothanhhoa.vn)

Tin đã đăng