(Thanhhoa.dcs.vn): Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Kết luận số 52-KL/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được nâng lên; đội ngũ trí thức của tỉnh được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng, phát huy vai trò và có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đến nay, đội ngũ trí thức của tỉnh có trên 236.000 người hoạt động trong tất cả các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế - xã hội; trong đó có 78.642 cán bộ, công chức, viên chức. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp có chuyển biến tích cực; 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, 96% cán bộ công chức cấp xã và 99,5% viên chức đạt chuẩn về trình độ theo quy định. Công tác thu hút lực lượng trí thức về làm việc tại tỉnh được quan tâm thực hiện; đã thu hút được 71 bác sĩ nội trú cho Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hoá, 02 cán bộ khoa học trẻ về công tác tại Sở Công thương và Sở Khoa học và Công nghệ. UBND tỉnh đã triển khai Đề án đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài; ban hành các chính sách ưu đãi đối với trí thức làm việc ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn; tuyển chọn 61 trí thức trẻ tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã của 07 huyện nghèo trong tỉnh. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, các trường đại học, cao đẳng tích cực thu hút nhiều cán bộ trình độ cao sau khi nghỉ hưu tiếp tục tham gia công tác nghiên cứu, đào tạo. Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ trí thức trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám sát xã hội; từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức phản biện thành công 43 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được UBND tỉnh giao.

Các cấp, các ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển đội ngũ trí thức, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức phát huy vai trò, năng lực. Đến nay, đã hỗ trợ 81 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo chính sách khuyến khích phát triển khoa học công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (phê duyệt tại Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh), với tổng kinh phí gần 128,9 tỷ đồng. Quan tâm thành lập, duy trì hoạt động các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, toàn tỉnh hiện có 39 tổ chức khoa học công nghệ (gồm 19 tổ chức công lập và 20 tổ chức ngoài công lập) được kiện toàn theo hướng tăng quy mô, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động; thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp KHCN gòm 31 danh nghiệp KHCN; thành lập Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật, Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Quỹ khuyến học. Giai đoạn 2012 - 2021, trên địa bàn tỉnh có 44 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia và 12 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm với 455 nhiệm vụ cấp tỉnh được triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của trí thức, chưa thực sự quan tâm công tác xây dựng đội ngũ và phát huy tài năng, trí tuệ của trí thức. Còn thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tập thể khoa học mạnh, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số. Cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức chưa đồng bộ, nhất là chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút, sử dụng cán bộ trẻ có trình độ cao, các chuyên gia đầu ngành về tỉnh làm việc...

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)