Được hình thành trên nền móng của vùng đất cổ, lại là nơi thắng địa “Rồng vờn hạt ngọc, Hạc bơi chân thành”, có lẽ vì vậy mà sự ra đời, tồn tại và phát triển của TP Thanh Hóa được xem là “biểu tượng” về truyền thống, sức sống mãnh liệt và khát vọng vươn tới của mảnh đất xứ Thanh trong tiến trình lịch sử.

Thành phố Thanh Hóa ngày càng khang trang, hiện đại.

Tăng cường tiềm lực cho phát triển

TP Thanh Hóa có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, gắn với vai trò là trung tâm tổng hợp tỉnh lỵ. Nơi đây đã từng 4 lần được lựa chọn là thủ phủ tỉnh lỵ Thanh Hóa (Tư Phố, Đông Phố, Dương Xá, Thọ Hạc), với tổng thời gian khoảng 1.700 năm. Điều này có thể xem là một minh chứng hết sức sống động về sự “ổn định, tính kế thừa và phát triển liên tục của đô thị” tỉnh lỵ.

Cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và đứng trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, việc quy hoạch và mở rộng địa giới hành chính TP Thanh Hóa, đã và đang trở thành yêu cầu tất yếu. Theo đó, để phát huy và nâng cao vai trò, vị thế của trung tâm tỉnh lỵ của một tỉnh lớn, ngày 1-5-1994 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/CP nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên TP Thanh Hóa với 12 phường, xã, tổng diện tích tự nhiên 57,8 km². Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng TP Thanh Hóa đến năm 2020, tại Quyết định số 140/1999/QĐ-TTg, ngày 11-6-1999. Đến ngày 29-4-2004, TP Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là đô thị loại II. Ngày 16-1-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 84/QĐ-TTg về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; theo đó, từ năm 2010-2014, thành phố đã tiến hành sáp nhập 19 xã/thị trấn thuộc các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương. Đến ngày 29-4-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 636/QĐ-TTg về việc công nhận TP Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Hiện trên địa bàn TP Thanh Hóa có khoảng 217 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 các khu đô thị được phê duyệt (không bao gồm các khu xen cư quy mô nhỏ). Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đạt bình quân khoảng 71% trong các quy hoạch phân khu được duyệt.

Đáng nói hơn, trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, thành phố đã tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công trình dịch vụ thương mại... làm cơ sở thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Trong đó, nhiều quy hoạch chi tiết các dự án lớn đã làm thay đổi bộ mặt đô thị như khu đô thị Vinhomes, khu đô thị mới phường Điện Biên, khu đô thị mới Đông Sơn, khu đô thị mới Đông Bắc Ga, khu đô thị mới Bắc Cầu Hạc, khu đô thị mới Đông Hải, khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị Quảng Thắng, khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi... Hiện trên địa bàn TP Thanh Hóa có khoảng 217 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 các khu đô thị được phê duyệt (không bao gồm các khu xen cư quy mô nhỏ). Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đạt bình quân khoảng 71% trong các quy hoạch phân khu được duyệt.

Có thể nói, việc quy hoạch gắn với quá trình mở rộng không gian địa giới hành chính đã và đang góp phần tạo dựng một diện mạo “đa sắc” vừa cổ kính vừa hiện đại cho TP Thanh Hóa. Đồng thời góp phần khẳng định vị thế, vai trò của trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng - an ninh của tỉnh; cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với Bắc Trung bộ, đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước. Cũng trên cơ sở đó, công tác đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện diện mạo đô thị đã có những bước đột phá, với hàng loạt các dự án giao thông và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã ra đời. Điển hình là các tuyến đường chính như Đại lộ Võ Nguyên Giáp, đường Vành đai số 2 (phía Đông và phía Tây), Đại lộ Nam sông Mã, Đại lộ Đông - Tây, đường CSEPD; Trung tâm hành chính - chính trị thành phố tại Đông Hải; Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Thanh Hóa và các Shophouse khu dân cư phường Điện Biên; khu đô thị Vinhome Star City Thanh Hóa; Eurowindow Garden...

Diện mạo TP Thanh Hóa.

Đặc biệt, việc mở rộng địa giới gắn với khai thác các tiềm năng, lợi thế và cải thiện môi trường đầu tư những năm qua, đã đưa TP Thanh Hóa trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Theo đó, tính riêng giai đoạn 2016-2020 đã có 168 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 3 dự án từ nguồn vốn FDI. Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 143.010 tỷ đồng, gấp 2,13 lần giai đoạn 2011 - 2015, chiếm 23,3% tổng huy động vốn đầu tư toàn tỉnh; trong đó, vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp và dân cư ngày càng chiếm tỷ trọng cao (tăng từ 46,32% giai đoạn 2011 - 2015 lên 62,87% giai đoạn 2016 - 2020). Đặc biệt, mục tiêu biến TP Thanh Hóa trở thành trung tâm tri thức, công nghiệp công nghệ cao và trung tâm dịch vụ đa dạng, đã và đang từng bước được hiện thực hóa. Nhờ đó, TP Thanh Hóa hiện được đánh giá là một trong những thành phố hấp dẫn, phát triển năng động nhất khu vực Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng sông Hồng.

Tầm vóc mới của đô thị hiện đại

Xác định vai trò quan trọng của TP Thanh Hóa đối với sự phát triển của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đồng thời với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX, lần thứ XX, đến nay TP Thanh Hóa đã và đang khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc mở rộng địa giới hành chính đã tạo động lực đưa thành phố bước vào thời kỳ mới, với tầm vóc mới. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm đạt 14,9%; quy mô kinh tế, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, đô thị hóa... Riêng năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 18,4%; trong 39 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 10-12-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố có 23 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 10 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng như thu ngân sách, huy động vốn đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, tổng mức bán lẻ hàng hóa, thành lập doanh nghiệp mới, giải phóng mặt bằng... đều vượt kế hoạch, chiếm tỷ trọng cao và đóng góp lớn vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

...TP Thanh Hóa là 1 trong 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, với chức năng phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, du lịch văn hóa; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Để tạo tiền đề thúc đẩy đô thị tỉnh lỵ phát triển, xứng với vai trò, vị thế, Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 25-10-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: TP Thanh Hóa là 1 trong 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, với chức năng phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, du lịch văn hóa; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, xây dựng, phát triển TP Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp CNH, HĐH; một trong những trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ; có kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được bảo đảm; có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại và là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Đặc biệt, ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, xác định TP Thanh Hóa là 1 trong 3 cực tăng trưởng của vùng đồng bằng và trung du (vùng đóng vai trò trung tâm) của tỉnh. Đồng thời, là trọng điểm tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, thủ đô Hà Nội và các tỉnh/thành phố khác trong cả nước. Để góp phần cụ thể hóa nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 17-3-2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Với phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, quy hoạch hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển TP Thanh Hóa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao của vùng Nam Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Đồng thời, là đô thị chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, là khu vực định cư trung tâm đồng bằng Thanh Hóa, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và quốc gia. Đặc biệt, định hướng trở thành “thành phố hội tụ, kết nối phát triển”, trung tâm liên kết vùng Bắc Trung bộ với Đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào.

Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu trên, TP Thanh Hóa đã và đang tập trung phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, chú trọng phát triển thành phố đặt trong mối quan hệ tổng thể, gắn kết chặt chẽ với phát triển của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các tỉnh trong vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Đặc biệt, tiến tới thực hiện sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, mức thụ hưởng văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Để hoàn thiện diện mạo của một đô thị văn minh, hiện đại, thì yếu tố cơ bản hay giải pháp căn cơ là phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh đô thị hóa.

Đặc biệt, phối hợp với các ngành chức năng cấp tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện, hoàn chỉnh thủ tục để ngay trong giai đoạn 2021 - 2025 khởi công xây dựng các dự án đô thị lớn, các công trình trọng điểm...

Để hoàn thiện diện mạo của một đô thị văn minh, hiện đại, thì yếu tố cơ bản hay giải pháp căn cơ là phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh đô thị hóa. Theo đó, thành phố tập trung phát triển đô thị theo Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040; chuẩn bị các điều kiện thực hiện sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Chú trọng xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, kết nối thuận lợi giữa các khu đô thị, kết nối với các tuyến giao thông của quốc gia, của tỉnh. Thu hút đầu tư hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thủy lợi, cấp nước, thoát nước, phân phối và truyền tải điện, xử lý chất thải... Đặc biệt, phối hợp với các ngành chức năng cấp tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện, hoàn chỉnh thủ tục để ngay trong giai đoạn 2021 - 2025 khởi công xây dựng các dự án đô thị lớn, các công trình trọng điểm như: khu đô thị tại xã Hoằng Quang và phường Long Anh; khu đô thị thuộc dự án số 4, khu đô thị mới trung tâm TP Thanh Hóa; khu đô thị dọc Đại lộ Nam Sông Mã, phường Đông Hải và xây dựng một số khu đô thị đẹp, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh. Hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm Cung văn hóa thiếu nhi; Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh ngày 14-6-1972 tại đê Sông Mã, phường Nam Ngạn...

Với tiềm năng, lợi thế lớn, cùng mục tiêu, tầm nhìn và giải pháp khả thi, thiết nghĩ hành trình tạo dựng diện mạo đô thị hiện đại, văn minh, thông minh và có bản sắc cho TP Thanh Hóa, đã và đang có cơ sở để được hiện thực hóa trong tương lai gần.

(Nguồn:Baothanhhoa.vn)