Sáng 25-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) ngành NN&PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với chủ đề: “Khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng nông nghiệp Việt”.
Các đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì hội nghị (ảnh chụp màn hình).
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của gần 300 đại biểu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các viện, trường đại học, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiêu biểu trong cả nước.
Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Cường chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Cường chủ trì hội nghị; dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.
Với vai trò cơ quan chủ quản, thời gian qua Bộ NN&PTNT triển khai thành công 4 chương trình khoa học - công nghệ cấp quốc gia, bao gồm: Chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thủy sản, chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình sản phẩm quốc gia.
Bên cạnh đó đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động KH&CN; tăng cường tiềm lực KH&CN; đặc biệt là coi trọng phát triển nguồn nhân lực, hội nhập và hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước; đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động và chính sách phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ KH&CN.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khai mạc hội nghị. (ảnh chụp màn hình).
Cùng với các hoạt động nêu trên, xác định phát triển KHCN&ĐMST là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030 đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%; tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ KHCN có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt hơn 90% vào năm 2025 và đạt hơn 95% năm 2030. Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030; xây dựng và phát triển từ 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% vào năm 2030…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Để “Khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng nông nghiệp Việt”, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới tư duy để KHCN&ĐMST trở thành khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững với môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Đồng thời đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh; tiếp tục quan tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư, đồng tài trợ giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, cần tháo gỡ rào cản để KH&CN phát triển tốt hơn, có chính sách đãi ngộ cho người làm khoa học, cơ chế sử dụng nhân lực sau đào tạo, cơ chế thu hút nhân lực; cần có sự phối hợp giữa các đơn vị để có thể chuyển giao công nghệ nhanh chóng, mang lại lợi ích cho nông dân; đầu tư theo chuỗi từ nghiên cứu đến lúc bán kết quả nghiên cứu ra thị trường; cần thương mại hóa sản phẩm KH&CN để phục vụ chuyển giao và quảng bá sản phẩm KH&CN tốt hơn…
Chia sẻ, truyền cảm hứng tới cộng đồng cán bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Lê Minh Hoan cho rằng, KH&CN không chỉ dừng lại là tạo năng suất, sản lượng mà là tạo ra giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng đến từ sự tích hợp đa giá trị trong một ngành hướng tới mục tiêu giảm chi phí. Đó chính là hướng đi của KH&CN trong tương lai.