(Thanhhoa.dcs.vn): Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; với sự đổi mới trong lãnh đạo và phương pháp hoạt động, các cấp công đoàn và đoàn viên, người lao động tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hoá các nội dung, phong trào thi đua phù hợp với địa phương, ngành nghề để tuyên truyền, vận động, đoàn kết, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đề ra, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ tỉnh) đã tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ); tích cực nghiên cứu tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, NLĐ, như: Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm y tế, Luật BHXH; tham gia vào các chương trình trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các văn bản của các cấp, các ngành có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, NLĐ. Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn phối hợp với Thủ trưởng, chuyên môn cùng cấp thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở và đối thoại tại nơi làm việc; kết quả: 100% cơ quan hành chính sự nghiệp (HCSN) đã tổ chức được hội nghị cán bộ công chức (CBCC), (đạt mục tiêu kế hoạch); 100% doanh nghiệp Nhà nước tổ chức Hội nghị NLĐ (vượt 0,5%); 71,42% doanh nhiệp ngoài khu vực Nhà nước tổ chức Hội nghị NLĐ (vượt 1,42%).
Tích cực đẩy mạnh và phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật và hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật đối với đoàn viên, NLĐ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp Công đoàn đã tổ chức được 379 cuộc tư vấn cho 98.880 lượt đoàn viên, người lao động. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký TƯLĐTT đạt 95,96%, trong đó có 98% bản TƯLĐTT có các điều có lợi hơn cho đoàn viên, NLĐ so với quy định của pháp luật (vượt 0,96% mục tiêu). Đã tổ chức thành công Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với người lao động về các nội dung liên quan đến chế độ, chính sách; việc thực hiện BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; công tác quy hoạch, quản lý các doanh nghiệp; quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động và xây dựng tổ chức Công đoàn...; phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa ĐBQH với đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh năm 2023; tổ chức 21 kỳ hội nghị giao ban với đại diện lãnh đạo quản lý và Chủ tịch Công đoàn của 33 doanh nghiệp FDI, với 2.475 lượt người tham gia. Công đoàn các cấp đã tổ chức 210 cuộc thanh tra, kiểm tra; phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành 1.112 cuộc thanh tra, kiểm tra; 3.598 cuộc giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương, BHXH, an toàn vệ sinh lao động, chính sách lao động nữ... Qua kiểm tra, giám sát, Công đoàn đã có ý kiến với doanh nghiệp, các đơn vị liên quan nhằm tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện tốt các chế độ chính sách của người lao động, góp phần phát triển SXKD, duy trì việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động góp phần đảm bảo quyền, lợi ích họp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ...
Mạng lưới an toàn vệ sinh viên được quan tâm củng cố, phát triển; các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp thành lập, kiện toàn mạng lưới An toàn vệ sinh viên tại 560 đơn vị, với 2.715 an toàn viên; phối hợp điều tra công khai 22 vụ tai nạn lao động và 48 vụ tai nạn giao thông, đảm bảo các chế độ, quyền lợi cho người lao động bị tai nạn.
Hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ được các cấp Công đoàn chú trọng; thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, như: “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động”, “Ngày gia đình Việt Nam”... Các cấp Công đoàn đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ 817.754 suất quà, tổng trị giá 649,73 tỷ đồng cho đoàn viên, NLĐ và con đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ sửa chữa và làm mới 552 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền 21,2 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, trợ cấp khó khăn cho CNVCLĐ ốm đau, bị tai nạn lao động, gặp rủi ro, thiên tai, khó khăn trong cuộc sống cho 2.297 người, với số tiền 5,8 tỷ đồng. LĐLĐ tỉnh đã ký 232 bản “Thỏa thuận hợp tác” với các đối tác cung cấp các dịch vụ, ưu đãi các sản phẩm cho đoàn viên và người lao động, giúp cho 388.735 đoàn viên, NLĐ được hưởng lợi với số tiền là 29,765 tỷ đồng. Các cấp Công đoàn đã có nhiều biện pháp thiết thực, chủ động tham gia với người sử dụng lao động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động”; đến nay, đã có 301 doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca cho người lao động, trong đó có 254 doanh nghiệp có chất lượng bữa ăn ca trên 15.000 đồng/bữa.
Các cấp Công đoàn trong tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, chủ doanh nghiệp xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; vận động CNVCLĐ, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, với giá trị trên 45 tỷ đồng; vận động đoàn viên, NLĐ ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 với tổng số tiền là 124,334 tỷ đồng; phối họp với chủ sử dụng lao động thành lập 5.768 “Tổ an toàn Covid-19” tại doanh nghiệp, khu nhà trọ có đông công nhân lao động, công đoàn phường, xã, thị trấn, trường học trên địa bàn.
Triển khai sâu rộng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, NLĐ; LĐLĐ tỉnh luôn là đơn vị dẫn đầu toàn quốc trong tổ chức thực hiện các chương trình, các cuộc thi do Tổng LĐLĐ Việt Nam và tỉnh phát động; nổi bật là: Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” LĐLĐ tỉnh đứng thứ 2 toàn quốc, với 30.257 sáng kiến của đoàn viên, NLĐ được ghi nhận; Cuộc thi “CNVCLĐ sáng suốt lựa chọn người tài đức để xây dựng đất nước”, toàn tỉnh có 78.563 người tham gia, đứng đầu toàn quốc, được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen; Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid -19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, đã có 42.998 sáng kiến, đề tài được áp dụng vào công tác, sản xuất làm lợi hàng trăm tỷ đồng...
Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh được tập trung thực hiện. Đến ngày 15/5/2023, các cấp Công đoàn đã kết nạp tăng thêm 75.619 đoàn viên (vượt 51,2% chỉ tiêu đề ra), nâng tổng số đoàn viên do LĐLĐ tỉnh quản lý lên 326.580 đoàn viên; thành lập được 479/300 CĐCS ngoài Nhà nước (vượt 59,6%), nâng tổng số CĐCS trong toàn tỉnh lên 3.668 CĐCS; tỷ lệ tập hợp đoàn viên đạt 95,1%. Thường xuyên quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; đến nay: Có 100% cán bộ chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về lý luận và nghiệp vụ Công đoàn; 78,47% cán bộ công đoàn không chuyên trách có trình độ Đại học và trên Đại học; trên 90% cán bộ công đoàn không chuyên trách được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn. Công tác đánh giá, phân loại chất lượng công đoàn cơ sở hàng năm được chú trọng và từng bước đi vào thực chất; trung bình hàng năm, khu vực nhà nước có 22% CĐCS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 78% CĐCS hoàn thành tốt nhiệm vụ; khu vực ngoài nhà nước có 11% CĐCS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 77% CĐCS hoàn thành tốt nhiệm vụ, 12% CĐCS hoàn thành nhiệm vụ. Chú trọng bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp; từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã giới thiệu 18.527 đoàn viên Công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp; 13.576 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình hoạt động của các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Các chương trình phúc lợi đoàn viên chưa đạt hiệu quả như mong muốn; vai trò tham gia quản lý, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, NLĐ của Công đoàn cơ sở, nhất là một số doanh nghiệp ngoài nhà nước còn nhiều hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số Công đoàn cấp trên cơ sở chưa sâu sát, thiếu quyết liệt; chưa tạo được sự đột phá rõ nét, nổi bật trong hoạt động Công đoàn. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên, NLĐ một số nơi hiệu quả chưa cao, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; hoạt động Công đoàn ở các doanh nghiệp nhỏ chưa hiệu quả. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ có lúc, có nơi chưa kịp thời; nhận thức về pháp luật, về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn của một bộ phận đoàn viên, NLĐ còn hạn chế; vẫn còn tình trạng đoàn viên, NLĐ vi phạm nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Kỹ năng nghiệp vụ hoạt động Công đoàn, đặc biệt kỹ năng giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, NLĐ của một số cán bộ CĐCS còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới; số ít cán bộ công đoàn chưa thật sự nhiệt tình, tâm huyết với công việc...
Trong thời từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động Công đoàn trong điều kiện mới, theo hướng lấy đoàn viên, NLĐ là trung tâm, đảm bảo khoa học, kịp thời, thiết thực, cấp trên phục vụ cấp dưới, Công đoàn cơ sở gắn bó và phục vụ đoàn viên, NLĐ; phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp. Tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; huy động các nguồn lực để thực hiện chăm lo, nâng cao chất lưọng cuộc sống của đoàn viên, người lao động. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, lao động thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; trang bị kiến thức và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, bản lĩnh chính trị, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho đoàn viên, NLĐ để phòng ngừa, ngăn chặn bị lôi kéo, kích động tham gia đình công, ngừng việc trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua - khen thưởng; xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí của từng phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực, hướng về cơ sở; vận động đoàn viên, NLĐ ra sức thi đua phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đổi mới quy trình làm việc; tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, xây dựng văn hóa công sở, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Quan tâm xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; thu hút người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn; nâng cao năng lực lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp. Thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú, có động cơ phấn đấu, vào Đảng, giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp, nhất là bồi dưỡng đoàn viên ưu tú là công nhân trực tiếp sản xuất; phối hợp với các ban, ngành tham gia thành lập và nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở Đảng tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Tăng cường công tác quản lý thu - chi tài chính Công đoàn, phấn đấu tăng dần tỷ trọng nguồn thu đoàn phí, Quỹ hỗ trợ đoàn viên; tập trung chi các hoạt động quan trọng, nhiệm vụ cấp bách của tổ chức Công đoàn; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với việc đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao năng lực của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp trong công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.