(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX "Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; trong 20 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức; song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành bạn; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đờng lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, ra sức xây dựng Đảng bộ, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Theo thống kê từ năm 2003 đến nay, đã có hơn 400 lượt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; hơn 6.000 lượt các đồng chí lãnh đạo cấp huyện và hơn 67.800 lượt lượt các đồng chí lãnh đạo cấp xã đã về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư...
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân ở khu dân cư, nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Qua đó, tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Sau 20 năm triển khai và phối hợp tổ chức; dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp, triển khai và tổ chức thực hiện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, Ngày hội đã góp phần quan trọng vào công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua Ngày hội, MTTQ các cấp tuyên truyền về lịch sử truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về những kết quả nổi bật trong công tác Mặt trận, đặc biệt là kết quả thực hiện tại khu dân cư; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.Tuyên truyền, giới thiệu các tập thể, hộ gia đình và cá nhân đã tích cực hưởng ứng các Cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay trong phát huy vai trò tự quản của Nhân dân ở cộng đồng...
Việc tổ chức Ngày hội gần như đã trở thành sinh hoạt định kỳ của mỗi khu dân cư, từ năm 2003 đến nay (trừ năm 2020, 2021 do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp), 100% các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều đã tổ chức Ngày hội, bao gồm phần lễ và phần hội; bình quân hằng năm có 78-80% khu dân cư tổ chức được bữa cơm đoàn kết. Về phần lễ, đa số các khu dân cư đã thực hiện theo đúng nội dung, chương trình hướng dẫn của MTTQ các cấp, trọng tâm là ôn lại truyền thống của Mặt trận các thời kỳ; báo cáo kết quả thực hiện các phong trào, các cuộc vận động của các khu dân cư gắn với các nội dung thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; biểu dương khen thưởng những tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu ở khu dân cư; hỗ trợ người nghèo (trao nhà đại đoàn kết, quà hỗ trợ hộ nghèo...); phát động thi đua thực hiện Cuộc vận động năm tiếp theo. Về phần hội, các khu dân cư tổ chức trang trí băng-rôn, cờ khẩu hiệu, thể hiện rõ không khí Ngày hội, đông đảo Nhân dân, cán bộ, đảng viên trong khu dân cư về tham dự. Các tiết mục văn nghệ được chuẩn bị chu đáo, công phu, ca ngợi quê hương, đất nước, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đa số các khu dân cư tổ chức "Bữa cơm đại đoàn kết" phù hợp với điều kiện thực tế, tạo được không khí đầm ấm, vui vẻ, phấn khởi, gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Bên cạnh đó, thông qua Ngày hội đã góp phần động viên, khích lệ Nhân dân chung tay xây dựng nếp sống văn minh, có các hoạt động nhằm đấu tranh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, như: lạm dụng rượu bia, cờ bạc, trộm cắp, ma túy, mại dâm, đánh bạc... Đến nay, toàn tỉnh có 4.352/4.352 (100%) khu dân cư có nhà văn hoá; 100% xã có điện lưới quốc gia; hàng năm có trên 80% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá; 85% hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo". Phong trào xây dựng đời sống văn hoá, khu dân cư sống tốt đời, đẹp đạo của đồng bào công giáo; phong trào xây dựng chùa cảnh tinh tiến của đồng bào Phật giáo ngày càng đựơc phát huy, 345/345 khu dân cư Công giáo đã khai trương khu dân cư văn hoá; trong đó có 283 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hoá; 27/48 chùa đạt tiêu chuẩn chùa cảnh tinh tiến.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là giải pháp để phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Sau 20 năm tổ chức Ngày hội, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động đã được triển khai hiệu quả: Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", từ năm 2016 là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đã gắn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng với việc tổ chức tốt Ngày hội, MTTQ các cấp đã vận động các tầng lớp nhân dân chung sức xây dụng nông thôn mới với nhiều việc làm thiết thực hiệu quả, như: Huy động Nhân dân hàng năm hiến hàng ngàn ha đất để mở rộng đường giao thôn nông thôn, cải tạo cảnh quan, đóng góp hàng triệu ngày công, trên 65.394 tỷ đồng để làm đường, bê tông kiên cố hóa giao thông nội đồng, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo các thiết chế văn hóa và cơ sở hạ tầng khác...
Từ việc tổ chức tốt Ngày hội, MTTQ đã phát huy vai trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng thông qua xây dựng 4.547 mô hình tự quản, 2.116 câu lạc bộ thể thao; 2.437 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng; 36 mô hình khu dân cư "sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn", 1.479 mô hình khu dân cư vệ sinh an toàn thực phẩm, 3.267 khu dân cư an ninh trật tự, an toàn giao thông, trên 1.023 mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường...; góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát triển kinh tế ở địa phương, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 352 xã, 700 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, 76 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã, 317 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thông qua tổ chức Ngày hội và Tháng cao điểm vì người nghèo đã thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia các hoạt động chăm lo cho người nghèo, đã tạo nên hiệu ứng xã hội tích cực. Trong 20 năm qua, cùng với tổ chức Ngày hội, MTTQ các cấp trong tỉnh đã vận động làm mới và sửa chữa 13.496 nhà cho hộ nghèo, trị giá trên 163.259 tỷ đồng; Hỗ trợ trên 34,52 tỷ đồng cho nhân dân phát triển sản xuất; hỗ trợ 4,786 tỷ đồng kinh phí khám chữa bệnh và trên 19 tỷ đồng hỗ trợ khác; phối hợp trao tặng 10.393 thẻ Bảo hiểm y tế cho người cận nghèo; tổ chức các hoạt động cứu trợ, như: giúp đỡ giông, lốc; nhà bị cháy; hỗ trợ các gia đình nạn nhân tử vong do thiên tai, tai nạn lao động, rủi ro nghiêm trọng... Chương trình An sinh xã hội được triển khai rộng khắp và thu hút nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đạt trên 46.000 tỷ đồng, đã xây dựng 14.000 nhà ở cho người nghèo trị giá 700 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất, khám chữa bệnh, giúp học sinh nghèo học tập gần 160 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh đạt trên 30.000 tỷ đồng. Những kết quả đó cùng với cấp ủy, chính quyền và cộng đồng xã hội từng bước giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2022 giảm còn 4,99%.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế: Công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của Ngày hội có lúc có nơi còn mang tính hình thức. Chưa phát huy hết tiềm năng của người dân và cộng đồng dân cư trong tổ chức và tham gia Ngày hội. Ngày hội trên địa bàn tỉnh đã phát triển chiều rộng (đạt gần 100% khu dân cư tổ chức) nhưng chưa thật sự đi sâu vào chất lượng (nhiều Ngày hội mới thực hiện tốt phần lễ, chưa chú trọng phần hội). Việc bình xét thi đua khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt các phong trào ở khu dân cư hàng năm ở một số địa phương, cơ sở chưa chặt chẽ, chưa bám sát tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định. Việc sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm chưa được quan tâm đúng mức, việc nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa thường xuyên, kịp thời. Tính chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất, phối hợp, xác định nội dung thực hiện tại một số địa phương chưa rõ nét; chất lượng tổ chức Ngày hội chưa đồng đều giữa các khu dân cư; một số địa phương còn tổ chức hình thức, nặng về phần lễ, chưa chú trọng đến phần hội; hoạt động tổ chức phần hội ở một số ít khu dân cư còn chưa phong phú, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia...
Qua 20 năm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, rút ra được những bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng; sự hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời của MTTQ cấp trên; sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành trong hướng dẫn, tổ chức Ngày hội ở khu dân cư; phải tạo sự chuyển biến nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Ngày hội, để Ngày hội thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Hai là, cần phải tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc, toàn diện, tuyên truyền rộng rãi đến tất cả các cấp, các ngành, nhất là các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa to lớn của Ngày hội đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết, phát triển kinh tế - xã hội. Gắn kết tổ chức Ngày hội với việc triển khai đánh giá thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đời sống và hoạt động xã hội của từng địa phương, đơn vị. Coi trọng việc triển khai Ngày hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị để khơi dậy và phát huy được tính tự quản và sáng tạo của Nhân dân.
Ba là, phát huy vai trò của MTTQ cơ sở, đặc biệt là Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, người có uy tín tiêu biểu, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tổ chức Ngày hội. Ban công tác Mặt trận khu dân cư nhiệt tình, tâm huyết, năng động, sáng tạo sẽ tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quan tâm của chính quyền, tham gia của đoàn thể và thành viên Mặt trận, sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân địa phương... trong tổ chức Ngày hội, cũng như các phong trào, cuộc vận động và hoạt động khác do Mặt trận Tổ quốc chủ trì phát động, vận động.
Bốn là, MTTQ các cấp phát huy vai trò chủ trì trong huy động mọi nguồn lực cho Ngày hội, đảm bảo kinh phí cho hoạt động của Mặt trận, đặc biệt là kinh phí tổ chức Ngày hội; ngoài kinh phí cân đối từ ngân sách địa phương, còn huy động xã hội hóa để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và hỗ trợ người nghèo... tạo không khí thi đua sôi nổi, vui tươi, đoàn kết.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt tình hình và tìm ra các giải pháp để thúc đẩy và phát triển Ngày hội; duy trì việc tổ chức sơ kết, tổng kết hàng năm, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến và kịp thời tuyên dương khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong tổ chức Ngày hội.