Ngay trong năm thứ 2 của nhiệm kỳ 2020-2025, Thanh Hóa đã hiện thực hóa thành công mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước 3/4 chỉ số PAPI, SIPAS, PAR INDEX và PCI theo Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá “Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Quyết tâm về một hành trình không có điểm dừng, Thanh Hóa đang tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém để vươn tới đích cao hơn.

Phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) công khai bộ thủ tục hành chính cho người dân tiện theo dõi. Ảnh: Tố Phương

“Chìa khóa” cho tăng trưởng

Năm 2021, Thanh Hóa xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố của cả nước về lĩnh vực tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội; năm 2022 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Kết quả này cho thấy, CCHC có tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư thực hiện các dự án, hay nói cách khác, CCHC chính là “đòn bẩy”, là “chìa khóa” để mở cánh cửa thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế 2 nhiệm kỳ liên tiếp, Thanh Hóa lựa chọn “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” là khâu đột phá để thực hiện. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2020-2025, với quyết tâm chính trị ở mức cao nhất, Thanh Hóa đã đưa mục tiêu “nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước” về các chỉ số PAPI, SIPAS, PAR INDEX và PCI vào kế hoạch hành động thực hiện “Khâu đột phá đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” giai đoạn 2021-2025. Điều này thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám vượt khó của cả hệ thống chính trị vì sự phát triển chung của tỉnh. Và, sau 2 năm thực hiện khâu đột phá, mặc dù chỉ số PCI chưa được như mong đợi, nhưng lần đầu tiên Thanh Hóa xác lập cùng lúc nhiều kỷ lục ấn tượng về 3 chỉ số PAPI, SIPAS, PAR INDEX - là minh chứng rõ nét nhất cho khát vọng không ngừng vươn xa của Thanh Hóa trong hành trình cải cách và đổi mới.

Từ mục tiêu, quyết tâm chính trị đã đặt ra, thời gian qua, tại nhiều diễn đàn chính trị lớn của tỉnh, nội dung về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn được các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi thực tế, những nỗ lực trong CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh mà tỉnh ưu tiên thực hiện đã giúp Thanh Hóa ghi nhiều dấu ấn đậm nét lên bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bằng những “kỷ lục” có ý nghĩa lớn lao. Nền kinh tế của tỉnh những năm gần đây luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá và toàn diện, năng lực cạnh tranh được nâng cao và luôn đứng trong top đầu cả nước. Nhìn lại hơn chục năm về trước, nhắc tới Thanh Hóa, người ta chỉ nghĩ tới vùng đất nghèo, chưa có nhiều phát triển nổi bật. Thế nhưng ngày nay, cái tên Thanh Hóa đã gây ấn tượng mạnh khi có những thay đổi vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Thanh Hóa đang tiến những bước dài trong sự phát triển khi hàng loạt những công trình mang tầm vóc thế kỷ được hình thành và hoạt động hiệu quả như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Cảng biển Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, Cảng Hàng không Thọ Xuân...; là những tuyến giao thông lớn, trọng điểm đã hoàn thành và đang tiếp tục được xây dựng; những khu đô thị hiện đại mọc lên khắp nơi hay những nhà máy, xí nghiệp “tầm cỡ” được lần lượt ra đời... Thanh Hóa đã và đang trở thành “mảnh đất vàng” để đầu tư. “Làn sóng” nghìn tỷ, mà nổi bật là những dự án “khủng” như Quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng; Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng có tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng; Khu Du lịch sinh thái Tân Dân có tổng mức đầu tư 3.662 tỷ đồng; Flamingo Hải Tiến có tổng mức đầu tư 3.350 tỷ đồng; Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa 1.400 tỷ đồng... đã cho thấy thành công của Thanh Hóa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.

Thanh Hóa có quyền tự hào khi trở thành điểm sáng của cả nước trên thang bậc phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã xác lập những con số ấn tượng chưa từng có. Ví như năm 2022, kinh tế Thanh Hóa tăng trưởng nhanh và đột phá, là địa phương có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước; tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 12,51%, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố; thu ngân sách Nhà nước vượt mốc 50.000 tỷ đồng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng đưa Thanh Hóa chính thức gia nhập nhóm các tỉnh, thành phố có số thu ngân sách từ 50.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong năm, Thanh Hóa đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 7 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD... Những con số “biết nói” về thành tựu tăng trưởng đã phản ánh sinh động và đầy thuyết phục những sắc thái tươi mới trên bức tranh tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả này cũng minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực cao của lãnh đạo tỉnh, của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong đó có mục tiêu đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.

Kiến tạo giá trị mới

Mặc dù đạt được những thành công mới trong CCHC nhưng Thanh Hóa chưa lúc nào dừng lại, bởi Thanh Hóa vẫn còn rất nhiều dư địa để cải cách, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp và cũng là kỳ vọng của tỉnh. Với tâm thế đó, sau mỗi kỳ công bố kết quả đánh giá các chỉ số, Thanh Hóa lại họp bàn, tổ chức các hội nghị để phân tích, “mổ xẻ” những điểm, những tiêu chí còn yếu kém dẫn đến hạn chế trong công tác CCHC. Từ đó, lập kế hoạch triển khai kỹ lưỡng, bài bản, đồng thời quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ những “nút thắt” còn tồn tại nhằm kiến tạo những giá trị mới cao hơn trong những năm tiếp theo, đặc biệt là đối với chỉ số PCI.

Công tác chỉ đạo, điều hành được đặt lên hàng đầu - đó chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của công cuộc cải cách. Với tư duy đổi mới, nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch lớn về đẩy mạnh CCHC đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành phù hợp với giai đoạn phát triển mới, trong đó yêu cầu việc thực hiện nhiệm vụ CCHC phải được triển khai đồng bộ và toàn diện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, đảm bảo hiệu quả, sớm giải quyết các tồn đọng, vướng mắc đã được chỉ ra. Đồng thời, chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền hướng dẫn, phục vụ, lấy sự hài lòng của tổ chức, công dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ.

Thanh Hóa sớm nhận diện “điểm nghẽn” quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh toàn tỉnh, đó là việc tạo sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư còn hạn chế. Việc sửa yếu điểm “Sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa thực thi tốt ở cấp sở, ngành” vẫn chậm được khắc phục... Để tập trung cải thiện vị trí xếp hạng chỉ số PCI, tháng 3-2023, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành giải đáp, trả lời thỏa đáng các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, của ngành thì giải quyết, trả lời ngay. Đối với những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, cần phải thảo luận, xin ý kiến tham gia của các ngành, địa phương liên quan thì phải tập trung nghiên cứu giải quyết và có văn bản trả lời sớm cho doanh nghiệp, đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc pháp luật chưa quy định, thì chủ động có văn bản hoặc tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo, đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cam kết, tỉnh Thanh Hóa luôn sát cánh, đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, hoạt động hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của tỉnh Thanh Hóa.

Tiếp đó, tháng 4-2022, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) năm 2022. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Thanh Hóa tổ chức công bố năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương, tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ. Việc đánh giá và công bố kết quả chỉ số DDCI được xem là thước đo, tấm gương soi chiếu sự hài lòng của doanh nghiệp đối với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Từ vị trí xếp hạng, sẽ là cơ sở để từng sở, ngành, địa phương tiếp tục điều chỉnh trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, từ đó góp phần tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai đánh giá DDCI chứng tỏ chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn “nhìn thẳng vào sự thật”, không né tránh, giúp các doanh nghiệp yên tâm và kỳ vọng nhiều hơn vào những cải thiện về cơ chế, chính sách sau này.

Để loại bỏ tư tưởng bàn lùi, nhụt chí, làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ việc chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong thực thi nhiệm vụ được giao, Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm khắc yêu cầu giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đề cao tinh thần, trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu đề xuất trong quá trình giải quyết công việc. Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền, phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; chủ động điều chuyển, thay thế theo đúng quy định; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

Chưa dừng lại ở đó, giữa tháng 6-2023, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành công văn về việc thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh khẩn trương thực hiện nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục hành chính nội bộ, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu, nội dung, quy trình và thời hạn kế hoạch đề ra. Thường xuyên rà soát, tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả. Đây được xem là “cơ sở pháp lý” quan trọng, từng bước loại bỏ những “gam màu tối” trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kiến tạo giá trị mới và vươn tới đích cao hơn.

Có thể thấy, chưa thời kỳ nào mà nội dung CCHC lại được cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành nỗ lực chỉ đạo và thực thi như hiện tại. Bước tiến mới với những chỉ số “đẹp” về CCHC mà Thanh Hóa đạt được trong năm 2022 là rất vui mừng, phấn khởi, song tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, có mặt yếu kém. Từ đó đề ra các kế hoạch, chương trình và hành động cụ thể, quyết tâm chinh phục các mục tiêu mới cao hơn nữa đối với các chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS và dồn lực để cải thiện thứ hạng chỉ số PCI nhằm tiếp tục tạo bước đột phá ấn tượng về CCHC, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

(Nguồn:Baothanhhoa.vn)