(Thanhhoa.dcs.vn): Sáu tháng đầu năm 2023, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm, đạt kết quả tích cực.
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên, phụ nữ được quan tâm thực hiện gắn với phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới - yêu nước, nhân ái, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên”; Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 04 hội nghị giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện phong trào thi đua và hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế giỏi với sự tham gia của gần 1.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực; các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn về nội dung các phong trào thi đua với trên 950.00 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được các cấp Hội tập trung thực hiện thông qua Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và nội dung “Vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam”. Các cấp Hội đăng ký/thực hiện 1.260 phần việc/hoạt động xây dựng NTM ở cơ sở; vận động, hỗ trợ các hộ gia đình đạt tiêu chí 05 không, 03 sạch đảm bảo chất lượng; chỉ đạo xây dựng 32 mô hình Gia đình “05 có 03 sạch”.
Các cấp Hội và đơn vị tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và thực hiện chính sách hậu phương quân đội với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng. Trong đó: hỗ trợ xây, sửa 59 “Mái ấm tình thương” trị giá gần 1,8 tỷ đồng; trao tặng trên 17.000 xuất quà cho các gia đình chính sách, hội viên, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ đồng bào bị thiên tai trị giá gần 7,5 tỷ đồng; thăm hỏi, tặng quà lực lượng vũ trang và động viên tân binh lên đường nhập ngũ trị giá 1,2 tỷ đồng.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tiếp tục có bước phát triển quan trọng; các cấp Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền về số hộ nghèo được Hội giúp đỡ trong năm, đã có 20.691 hộ nghèo, hộ cận nghèo được giúp bằng nhiều hình thức trị giá trên 7 tỷ đồng; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ủy thác với các tổ chức tín dụng với tổng dư nợ 12.234 tỷ đồng, cho 201.292 hội viên, phụ nữ vay, phát triển kinh tế; phối hợp với các ngành tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 32.105 lượt phụ nữ, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phối hợp đào tạo nghề cho 3.665 phụ nữ; giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho 1.157 hội viên, phụ nữ; hỗ trợ 231 phụ nữ khởi nghiệp, trong đó thành lập mới 10 doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mô côi” tiếp tục được triển khai với nhiều cách làm cụ thể, thiết thực; trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội nhận đỡ đầu 265 trẻ mô côi, trong đó Hội LHPN tỉnh đã kết nối phối hợp với Công ty Đại Dũng, tổ chức gặp mặt và nhận đỡ đầu 118 trẻ mồ côi đến 18 tuổi với tổng trị giá ước tính 5 tỷ đồng; tính đến nay, các cấp Hội nhận đỡ đầu 1.645 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 06 tỷ đồng/năm.
Công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được đẩy mạnh, 6 tháng đầu năm đã có trên 900 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua các hình thức như: phát hành 14.000 cuốn Thông tin Phụ nữ Thanh Hóa; cấp phát 5.200 cuốn Thông tin Phụ nữ Việt Nam, triển khai các tài liệu sinh hoạt hội viên đến 100% chi/tổ phụ nữ làm tài liệu sinh hoạt hội viên.
Công tác xây dựng tổ chức Hội được quan tâm, trọng tâm là thực hiện hiệu quả kế hoạch“Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng giai đoạn 2022 - 2025”; từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 2.343 chị là cán bộ Hội các cấp, Chi hội trưởng, chi hội phó, được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội; thành lập mới 400 mô hình, câu lạc bộ, thu hút mới 3.925 hội viên nâng tổng hội viên toàn tỉnh lên 859.215; trong đó có 197.862 hội viên nòng cốt; 125.828 hội viên là người dân tộc thiểu số; 23.985 hội viên tôn giáo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hội và phong trào phụ nữ trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế, đó là: việc triển khai Phong trào thi đua ở một số địa phương chưa đồng đều. Một số cơ sở Hội chưa chủ động, sáng tạo trong việc cụ thể hóa các tiêu chí của phong trào thi đua, cuộc vận động cho phù hợp với từng đối tượng phụ nữ và tình hình thực tế tại địa phương, do đó, hiệu quả chưa rõ nét; công tác nắm bắt tình hình tư tưởng hội viên phụ nữ, nhất là các vấn đề liên quan đến cán bộ nữ, hội viên, phụ nữ và trẻ em gái ở một số đơn vị có lúc, có việc chưa chủ động, kịp thời, chưa quyết liệt trong tham mưu, đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề; chất lượng phản biện xã hội chưa cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã được các cấp Hội quan tâm thực hiện, tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao, chưa đồng đều, còn nhiều bất cập nhất là việc cập nhật dữ liệu trên phần mềm của Hội….