(Thanhhoa.dcs.vn): Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã quan tâm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác dân vận của hệ thống chính trị, đạt được kết quả tích cực.
Hệ thống dân vận các cấp tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết chuyên đề, kết luận quan trọng về công tác dân vận, như: Kết luận số 610- KL/TU ngày 20/9/2021 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngàỵ 30/12/2015 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Thanh Hóa; Quyết định số 763-QĐ/TU ngày 15/10/2021 về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Kết luận số 684-KL/TU ngày 27/8/2021 về tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; Kết luận số 862-KL/TU ngày 01/8/2022 về nâng cao chất lượng công tác dân vận ở xã, phường, thị trấn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030... Hệ thống dân vận các cấp đã tham mưu tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp cho đội ngũ cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Việc triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền, lực lượng vũ trang tiếp tục có những chuyển biến tích cực; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, mặt trận, đoàn thể. Tăng cường công tác tổ chức diễn đàn tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân để lắng nghe và giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị chính đáng của Nhân dân; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy vai trò công tác dân vận trong công tác quy hoạch, thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Dân vận các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ dân vận các cấp được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy có 19 cán bộ, công chức, người lao động. Ban Dân vận các huyện, thị, thành ủy có tổng số 104 đồng chí (40 đồng chí nữ, 64 đồng chí nam); 27 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ. Khối dân vận xã, phường, thị trấn có 5.390 thành viên. Thôn, bản, tổ dân phố có 4.248 tổ dân vận, với 32.096 thành viên. Hệ thống Dân vận các cấp thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế hoạt động, quy chế đi cơ sở; phân công, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cá nhân phụ trách và tham mưu công tác dân vận.
Các phong trào, cuộc vận động từng bước đi vào chiều sâu; đã triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo"; đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và nhân rộng được 250 mô hình "Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ". Hệ thống dân vận các cấp chú trọng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại của công dân; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, phát sinh ở cơ sở. Các lực lượng vũ trang triển khai xây dựng các phương án đồng bộ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường xây dựng cơ sở an toàn làm chủ sẵn sàng chiên đấu và tổ chức nhiều đợt cao điểm trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là buôn bán, vận chuyển ma túy, đánh bạc, tội phạm có tính chất xã hội đen, hoạt động tôn giáo trái pháp luật.
Quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong các tầng lớp nhân dân; góp phần khai thác và huy động có hiệu quả nguồn lực trong nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; tiêu biểu như các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Gia đình 5 không, 3 sạch", "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc"; "Cựu Chiến binh làm kinh tế giỏi"... Đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng; quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, phát triển đoàn viên, hội viên; tỷ lệ thu hút đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể tăng hằng năm; đến nay, tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên Hội Cựu chiến binh đạt 98%; Hội Nông dân đạt 95%; Hội Phụ nữ đạt 82%; Đoàn thanh niên đạt 70%; Đoàn viên công đoàn đạt 95%...
Chất lượng công tác tham mưu về công tác dân tộc, tôn giáo ngày càng được nâng cao; xây dựng củng cố hệ thống chính trị vùng dân tộc, vùng đồng bào có đạo vững mạnh, chú trọng phát triển đảng viên gốc giáo. Đến nay, toàn tỉnh có 3.918 đảng viên là người có đạo; 35.042 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ cốt cán, người tiêu biểu có uy tín, già làng, trưởng bản trong vùng đồng bào dân tộc, vùng đồng bào có đạo. Phối hợp nắm chắc tình hình dân tộc, tôn giáo, tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, nổi cộm phức tạp liên quan đến tình hình dân tộc và hoạt động tôn giáo như di cư tự do, truyền đạo, xây dựng cơ sở thờ tự trái pháp luật; ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động trái pháp luật của "Hội thánh đức chúa trời mẹ", "Pháp luân công"...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh trong nửa nhiệm kỳ qua còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Việc quán triệt, triển khai, cụ thể hóa nghị quyết và chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp của một số Ban dân vận chưa sát, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền một số nơi chưa có chuyển biến rõ nét, chưa thực hiện đầy đủ quan điểm "Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thông chính trị"; chế độ làm việc giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên; việc giải quyết các vấn đề bức xúc, phát sinh ở cơ sở có việc, có lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội một số nơi vẫn chậm đổi mới; các phong trào thi đua chưa đồng bộ; chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi kết quả đạt được chưa cao. Hoạt động của hệ thống dân vận các cấp, nhất là khối dân vận cơ sở, tổ dân vận thôn, bản, khu phố còn lúng túng; việc nắm và dự báo tình hình Nhân dân, tham mưu đề xuất các giải pháp giải quyết tình hình bức xúc, nổi cộm có lúc, có việc chưa kịp thời. Công tác phối hợp giữa ban dân vận với chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội một số nơi chưa tốt...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong những năm tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, các quyết định, quy định, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Kết luận 267-KL/TU ngày 25/12/2017 về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dân vận các cấp trong tình hình mới; Quyết định số 763-QĐ/TU ngày 15/10/2021 về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Kết luận số 862-KL/TU ngày 01/8/2022 về nâng cao chất lượng công tác dân vận ở xã, phường, thị trấn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Quy định số 1501-QĐ/TU ngày 01/8/2022 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của khối dân vận xã, phường, thị trấn... Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết; chương trình công tác hằng năm của cấp ủy về công tác dân vận.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận của hệ thông chính trị trong tình hình mới, trọng tâm là đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận của hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền; lãnh đạo, chỉ đạo và phân công cán bộ, đảng viên phụ trách công tác dân vận; thường xuyên định hướng nội dung công tác dân vận và tô chức các phong trào thi đua “Dân vận khéo” để chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp triển khai thực hiện.
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp; thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với UBND tỉnh, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tiếp dân, giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại, đề xuất, kiến nghị chính đáng của người dân; tăng cường việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính; nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Bốn là, tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ, nhất là thực hiện nghiêm Luật Dân chủ ở cơ sở trong hoạt động quản lý nhà nước; tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân và doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các vân đề phát sinh ở cơ sở; duy trì chế độ làm việc của chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp; tạo mọi điều kiện cho MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ, thành lập tổ chức đoàn thể, phát triển đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp; đổi mới các phong trào thi đua của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo từ thiện, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, bị thiệt hại do thiên tai...
Sáu là, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào thiểu số, miền núi và đồng bào có tôn giáo; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín, cốt cán tôn giáo; nắm chắc tình hình tôn giáo, dân tộc, phối hợp tham mưu giải quyết kịp thời phát sinh, nổi cộm; tăng cường hoạt động thăm hỏi, tặng quà các chức sắc, chức việc, người có uy tín, cốt cán vùng đồng bào dân tộc và tôn giáo nhân các ngày lễ.
Bảy là, tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; chủ động nắm chắc tình hình, phối họp tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, phát sinh, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp; tổ chức đánh giá kết quả công tác dân vận trong thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.