(Thanhhoa.dcs.vn): Giun đất là loài động vật ruột khoang, sinh sống nhiều ở các vùng đất ẩm, xốp, mát và ẩm ướt; thức ăn chính của giun đất là mùn hữu cơ, do vậy ở trong đất, giun đào bới làm xốp đất. Phân giun đất thải ra là một loại phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Giun đất còn là phương tiện xử lý chất thải hữu cơ làm sạch môi trường.

Trong thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, tại tỉnh lân cận Hòa Bình và tại tỉnh ta đã xuất hiện việc sử dụng kích điện đánh bắt giun đất, sấy khô để bán cho các tư thương tiêu thụ kiếm lời; việc sử dụng kích điện đánh bắt giun đất sẽ hủy hoại môi trường đất, phá vỡ sự đa sinh học, ảnh hưởng lớn đến độ phì nhiêu của đất và sinh trưởng phát triển cây trồng trước mắt cũng như lâu dài; đồng thời gây nguy hiểm đến đời sống của con người và gia súc, gia cầm; các phương tiện truyền thông đã có nhiều thông tin cảnh báo về vấn nạn này. Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi các địa phương, nhất là các tỉnh Tây Bắc tăng cường kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất; nhiều địa phương đã có chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền và xử lý; tuy nhiên, do hám lợi nên một số cá nhân vẫn lén lút dùng kích điện đánh bắt giun đất và tổ chức thu mua,… nhất là ở các huyện miền núi, vùng hẻo lánh, xa xôi.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn 4351/SNN&PTNT ngày 25/8/2023 đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, rà soát phát hiện, ngăn chặn tình trạng người dân sử dụng kích điện đánh bắt giun đất, thu mua và sấy giun đất trên địa bàn; phân công cán bộ chuyên môn ngành môi trường phối hợp với lực lượng công an đấu tranh phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của Pháp luật. Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp có hành động kích điện giun đất, các cơ sở, hộ gia đình sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất; khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện, sơ chế, thu mua giun đất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Được biết, gần đây có thông tin giun tươi sau khi được bắt sẽ bán cho các lò sấy, sau đó sấy khô rồi bán cho các thương lái Trung Quốc với giá từ 1 -1.5 triệu đồng/kg, tùy loại và tùy vào thời điểm. Trên các diễn đàn mạng hay các sàn thương mại điện tử, giun đất sấy khô (còn gọi là địa long, trùng đất) được quảng cáo là dược liệu quý và thị trường mua bán cũng diễn ra sôi nổi; tuy nhiên, tác dụng của các sản phẩm này cũng chưa được các cơ quan chức năng kiểm chứng. Bên cạnh đó, giun đất không phải động vật quý hiếm; do đó, nếu thị trường thực sự có nhu cầu ổn định, lâu dài thì đây cũng có thể là một hướng phát triển kinh tế mới, đa dạng giá trị từ đất; người dân có thể xây dựng các khu nuôi tập trung để khai thác và bán ra thị trường, góp phần tăng thêm thu nhập; đẩy lùi và ngăn chặn hành vi kích điện tận diệt giun đất, ảnh hưởng đến môi trường đất và cây trồng. Tuy nhiên, bài học trong buôn bán những nông sản “lạ” với thương lái Trung Quốc trước đây vẫn còn nguyên giá trị; thương lái Trung Quốc đã từng thu gom từ lá sắn, ngọn khoai lang, lá vải, cam non, hoa thanh long,... đặc biệt là vụ thu mua đỉa, đến khi người nông dân đâu đâu cũng nuôi đỉa, thương lái trong nước thu gom cả ngàn tấn đỉa mà chẳng thấy bóng thương lái Trung Quốc trở lại mua... do vậy, người dân, thương lái Việt cần phải tỉnh táo, xem xét kỹ để không phải lập lại những bài học như trên.

(Phạm Minh Đức - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)