(Thanhhoa.dcs.vn): Hiện nay, toàn tỉnh có 125 làng nghề đang hoạt động (85 làng nghề truyền thống và 40 làng nghề mới), có 69 làng nghề đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận; trong đó, chủ yếu tập trung vào những nhóm nghề sau đây:

 Nhóm làng nghề chiếu cói: Có 30 làng nghề (21 làng nghề được công nhận), tập trung chủ yếu tại huyện Nga Sơn, tạo việc làm cho khoảng 6.417 lao động với các sản phẩm chính là: chiếu, quại cói, đệm cói, dép cói, hộp cói, giỏ cói, thảm cói, túi cói… Hiện các làng nghề vẫn duy trì hoạt động, song lao động có xu hướng giảm do chuyển sang làm công nhân may mặc.

Nhóm làng nghề mây tre đan: Có 25 làng nghề (06 làng nghề được công nhận), tập trung chủ yếu tại các huyện: Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Nông Cống, tạo việc làm cho khoảng 2.622 lao động. Hiện các làng nghề đang phát triển tốt, điển hình tại xã Hoằng Thịnh có khoảng 500 hộ, 1.200 lao động tham gia nghề, các sản phẩm chính là: đèn lồng, rổ, rá, thúng, nong, nia...; sản phẩm của làng nghề Hoằng Thịnh (liên kết với Công ty TNHH Quốc Đại) đã được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu

Nhóm làng nghề mộc: Có 07 làng nghề (04 làng nghề được công nhận), tập trung chủ yếu tại các huyện: Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, tạo việc làm cho khoảng 2.029 lao động. Hiện các làng nghề đang hoạt động tốt với các sản phẩm chủ yếu là nhà gỗ, bàn ghế, giường, tủ, cửa, đồ thờ cúng...

Nhóm làng nghề chế biến thuỷ hải sản: Có 12 làng nghề (06 làng nghề được công nhận), tập trung chủ yếu tại các huyện: Tĩnh Gia, huyện Hoằng Hóa và thành phố Sầm Sơn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Hiện các làng nghề vẫn duy trì được hoạt động tốt. Sản phẩm chủ yếu là nước mắm các loại, mắm tôm, hải sản khô, bột cá...

Nhóm làng nghề rèn, đúc đồng: Có 05 làng nghề (04 làng nghề được công nhận), chủ yếu tại huyện Hậu Lộc và Thiệu Hóa, tạo việc làm cho khoảng gần 700 lao động; sản phẩm chủ yếu là dao, búa, cuốc, xẻng, phụ tùng máy nông nghiệp...; làng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá) với sản phẩm chủ yếu là trống đồng, đồ thờ, tranh...

Làng nghề chế biến bánh, nem giò chả: Có 05 làng nghề (02 làng nghề được công nhận), tập trung chủ yếu tại thành phố Thanh Hóa, tạo việc làm cho khoảng 1.850 lao động, các sản phẩm chủ yếu là: chè lam, nem chua, bún, miến gạo, bánh đa, bánh gai, bánh lá răng bừa.

 Nhóm làng nghề làm men rượu, nấu rượu: Có 07 làng nghề (05 làng nghề được công nhận), tập trung chủ yếu tại thành phố Thanh Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, tạo việc làm cho khoảng hơn 500 lao động, sản phẩm chủ yếu là rượu trắng, rượu nếp, men rượu thuốc bắc...

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)