Trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới, tích cực đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) nhằm hiện đại hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng lao động và giá trị sản phẩm.
Ứng dụng thiết bị hiện đại vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa tại Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức.
Với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, thời gian qua, với sự nỗ lực quyết tâm cao, Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức đã ứng dụng trang thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất như: Máy gia công trung tâm, máy cắt CNC 6 đầu điêu khắc, máy dán cạnh tự động, máy khoan 6 đầu, máy panel tự động, rô-bốt hàn tự động... Dây chuyền sơn tĩnh điện; dây chuyền máy gia công nội thất gỗ công nghiệp CNC. Cùng với đó, công ty còn đưa vào sử dụng phần mềm ERP quản lý doanh nghiệp 1C để vận hành toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ khi tiếp nhận đơn hàng đến khi giao hàng, các chứng từ thanh toán liên quan đến nguyên vật liệu và khách hàng. Từ việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Nhờ đó, từ đầu năm 2024 đến nay, doanh thu của công ty đạt hơn 30 tỷ đồng, đạt kế hoạch và tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2023.
Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, nông nghiệp của tỉnh đã có thay đổi, từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (xã Hà Long, Hà Trung) là doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Sau hơn 10 năm phát triển, công ty luôn được chính quyền, người dân địa phương đồng hành, ủng hộ. Hiện tại, công ty đã phát triển 2 giống lúa đặc trưng của địa phương là nếp hạt cau Tiên Sơn ở xã Hà Lĩnh và nếp cái hoa vàng Gia Miêu tiến vua ở xã Hà Long đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đồng thời, xây dựng nhà máy xay chế biến lúa gạo, liên kết sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi từ các dây chuyền hoàn toàn tự động và bán tự động, từ khâu sấy lúa tươi, bảo quản, chế biến đến đóng gói thành phẩm. Đặc biệt, công ty liên kết với các tổ chức, nhà khoa học để bảo tồn, phục tráng các loại giống lúa quý vào liên kết sản xuất và các giống lúa thuần khác như ST24, ST25, Bắc thơm... đạt tiêu chuẩn VietGAP. Việc đưa vào vận hành nhà máy xay chế biến lúa gạo, cũng như mở rộng diện tích liên kết sản xuất với người nông dân đã hình thành chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao.
Tập đoàn Tiên Sơn đã không ngừng đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, hiện Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn có 3 nhà máy may gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc tại các huyện Yên Định, Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn với trên 2.000 công nhân. Hiện đơn vị đang là đối tác chiến lược may gia công tại Việt Nam của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, Tập đoàn Tiên Sơn đã không ngừng đầu tư các trang thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại cho các công đoạn sản xuất như máy vẽ sơ đồ tự động, máy cắt, may tự động, máy trải vải, máy cuộn viền, máy kiểm tra vải, máy tời vải... Bên cạnh đó, công ty luôn quan tâm đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề, kỹ thuật. Việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ tự động trong quá trình sử dụng đã giúp các sản phẩm giảm thiểu được rủi ro, sai sót do thao tác của công nhân, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thanh Hóa hiện có hơn 21 nghìn doanh nghiệp, trong đó có 31 doanh nghiệp và 1 chi nhánh doanh nghiệp KH&CN (đứng thứ 3 toàn quốc sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Hiện các doanh nghiệp KH&CN của tỉnh hoạt động trên nhiều lĩnh vực: sản xuất công - nông nghiệp, thiết bị - vật tư y tế, thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin... Đây là những đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào quản lý vận hành; tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao; dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt. Hoạt động của các doanh nghiệp luôn thể hiện rõ tinh thần năng động, sáng tạo, biết tận dụng tối đa các cơ hội để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Có thể thấy, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hiện nay các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tại các địa phương, với mục tiêu thành lập mới khoảng 15 nghìn doanh nghiệp trở lên và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 .
Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thanh Hóa Trần Duy Bình cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định KH&CN là một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ. Cùng với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tập trung nghiên cứu, phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào hoạt động tại đơn vị. Nhiều đơn vị mạnh dạn đảm nhiệm các nhiệm vụ KH&CN, đem lại hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo công nghệ cao thành lập các phòng nghiên cứu, các tổ chức KH&CN trong các doanh nghiệp để đổi mới các dây chuyền công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, tạo thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kết quả KH&CN, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa dựa trên nền tảng KH&CN.