Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung (SXNNTT), quy mô lớn. Từ đó, tạo thuận lợi để áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Diện tích cây ăn quả sản xuất tập trung tại xã Ngọc Phụng (Thường Xuân).
Thực tế cho thấy, việc phát triển nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường và khắc nghiệt. Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất còn nhỏ lẻ, không đồng đều dẫn đến việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; việc liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa thật sự có hiệu quả. Ngoài ra, nhiều hộ dân vẫn chưa thật sự đổi mới trong suy nghĩ, vẫn còn tư tưởng giữ đất khiến công tác tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các vùng SXNNTT gặp khó.
Để từng bước khắc phục những hạn chế, huyện Thường Xuân đã xác định việc tích tụ, tập trung đất đai để SXNNTT là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Từ đó chọn lựa giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để sản xuất khối lượng sản phẩm nông nghiệp lớn; ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chăn nuôi theo hướng an toàn; áp dụng cơ giới hóa để vừa giảm chi phí sản xuất, vừa giải phóng sức lao động, từ đó giúp người nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như thấy được lợi ích của việc SXNNTT. Đến nay, toàn huyện đã tích tụ được hơn 253ha đất để sản xuất nông nghiệp. Hầu hết diện tích này được trồng lúa thâm canh, cây ăn quả, rau an toàn và đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn. Trong đó có xã Xuân Dương, Luận Thành, Thọ Thanh, Ngọc Phụng... đã làm rất tốt công tác tích tụ, tập trung đất đai.
Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Thường Xuân đã chủ động tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, HTX... đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động; ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ... gắn với tiêu thụ sản phẩm. Qua đó giúp hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Là một trong số hộ dân được huyện tập huấn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ nguồn cây giống để trồng, ông Lê Minh Phong, thôn Minh Sơn, xã Luận Thành cho biết: Gia đình tôi được huyện hỗ trợ gần 1.000 giống bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi Diễn; đồng thời được hướng dẫn quy trình trồng cũng như kỹ thuật chăm sóc nên cây bưởi phát triển khá ổn định. Sau 3 năm, cây bưởi đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tiếp tục đầu tư thêm gần 2ha cây ăn quả tập trung khác như ổi, cam, bưởi da xanh... theo hướng VietGAP. Đến nay, sản lượng cây ăn quả của gia đình đạt từ 50 - 70 tấn/năm, mang lại lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm”.
Tại Như Xuân, để người dân dần thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo quy mô lớn, huyện đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân cách lựa chọn cây, con phù hợp với thổ nhưỡng; áp dụng ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn huyện đã có khoảng 620ha cây ăn quả tập trung, trong đó có 195ha trồng cam, bưởi, ổi, thanh long...
Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: "Bên cạnh việc làm tăng năng suất, sản lượng, giảm chi phí sản xuất và ứng dụng công nghệ hiện đại, SXNNTT như một “điểm sáng” thu hút các doanh nghiệp đến thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Từ đó, các sản phẩm đều có đầu ra ổn định tại nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, một số trang trại, HTX sản xuất quy mô lớn cả trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh... Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực như bưởi, cam, ổi, xoài keo, chanh leo...".
Từ sự nỗ lực của các địa phương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhiều vùng SXNNTT với các chủng loại giống cây trồng đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường như: Vùng trồng cây ăn quả tại các huyện Như Xuân, Thạch Thành, Thọ Xuân...; vùng chuyên canh bí, ngô, hành lá tại huyện Yên Định, Hoằng Hóa...; vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh tại Đông Sơn, Thiệu Hóa...; vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại Như Thanh, Yên Định...
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, SXNNTT đã giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đổi mới phương thức canh tác từ lạc hậu sang phát triển sản xuất hàng hóa. Từ đó, tạo nên những sản phẩm đạt hiệu quả về cả chất lượng và kinh tế; đồng thời giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, nhất là những sản phẩm đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả kinh tế tăng 15 đến 20% so với sản xuất thông thường