Khu Bảo tồn (KBT) các loài hạt trần quý hiếm Nam Động có diện tích 646ha nằm trên địa bàn hai huyện Quan Hóa và Quan Sơn. Đây là KBT tự nhiên có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với các loài hạt trần quý hiếm và nhiều loại cây dược liệu có giá trị.

Hạt Kiểm lâm Quan Hóa phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật về BVR, bảo tồn ĐDSH cho người dân vùng đệm trong KBT các loại hạt trần quý hiếm Nam Động.

Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quan Hóa Lê Văn Sơn cho biết: Để bảo vệ rừng (BVR), bảo tồn thiên nhiên (BTTN), phục hồi sinh thái tại KBT loài các hạt trần quý hiếm Nam Động, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với các cấp chính quyền ở địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học, công tác trồng rừng đặc dụng, khoán BVR, hỗ trợ các thôn, bản. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn 4 xã vùng đệm trong KBT tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả phương án BVR và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); kế hoạch giữ vững ổn định an ninh rừng.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công tác quản lý BVR, BTTN, PCCCR đến cộng đồng thôn, bản. Tập huấn quản lý rừng dựa vào cộng đồng cho các xã vùng đệm KBT nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về quản lý rừng dựa vào cộng đồng và cơ chế chia sẻ lợi ích rừng ở cấp thôn, bản cùng các quy định liên quan đến BVR và bảo tồn ĐDSH cho cán bộ chủ chốt tại các xã vùng đệm. Vận động người dân giao nộp súng săn và quản lý cưa xăng. Quản lý tốt công tác nương rẫy; triển khai đường dây nóng về BVR, PCCCR đến tận các thôn, bản giáp ranh rừng đặc dụng; tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Xây dựng quy chế phối hợp BVR, BTTN tại KBT giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, MTTQ và khối đoàn thể ở các xã vùng đệm. Cùng với đó, KBT xây dựng 60 mốc cấp I, 165 mốc cấp II, 9 bảng tuyên truyền lớn, 1 bảng giới thiệu KBT, 20 bảng niêm yết và hơn 20 bảng chỉ dẫn bảo vệ môi trường.

Hạt Kiểm lâm Quan Hóa luôn quan tâm đến công tác phục hồi sinh thái, phát triển các nguồn gen đang bị đe dọa tuyệt chủng tại KBT thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án, công tác khoán BVR phòng hộ, rừng tự nhiên và rừng sản xuất, trồng chăm sóc rừng đặc dụng, dịch vụ chi trả môi trường rừng, hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế vùng đệm để giảm áp lực vào rừng đặc dụng. Xây dựng và ứng dụng thành công 9 mô hình phát triển kinh tế - xã hội góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó giảm áp lực vào rừng đặc dụng.

Phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức, Chi cục Kiểm lâm vùng II, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) và các đơn vị có liên quan mở 23 lớp tập huấn cho trên 1.270 người tham gia. Nội dung tập huấn gồm nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn ĐDSH; hệ thống thông tin địa lý (GIS) và phần mềm Mapinfo; ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông - lâm nghiệp; kỹ thuật PCCCR cho chính quyền địa phương và người dân vùng đệm; nghiệp vụ cho kiểm lâm viên địa bàn, chính quyền xã, thôn, bản vùng đệm về thực thi pháp luật quản lý, BVR...; tổ chức các cuộc thi “Rung chuông vàng”, “Giáo dục pháp luật”, “Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường”... cho gần 900 học sinh THCS, THPT tại 4 xã vùng đệm thuộc KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động; 4 cuộc hội thảo về bảo vệ môi trường KBT; hội thảo khoa học về công tác BTTN, ĐDSH; biên tập, xây dựng gần 10.000 poster, tờ rơi, lịch treo tường, với nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVR, bảo tồn ĐDSH cho 13 tổ chức, hơn 650 học sinh THCS, 1.119 học sinh tiểu học của 9 trường trên địa bàn 2 huyện Quan Sơn, Quan Hóa...; phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện 3 đề tài dự án, 5 nhiệm vụ và các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen các loài động thực vật quý hiếm, hệ sinh thái đặc trưng tại KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động...

Từ những giải pháp trên đã góp phần nâng cao công tác BVR, PCCCR và gìn giữ, phát huy các giá trị ĐDSH, nguồn gen các loài hạt trần quý hiếm, đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ; đồng thời cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân vùng đệm trong KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động.

(Nguồn:baothanhhoa.vn)