(Thanhhoa.dcs.vn): Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, với nội dung:

 (1) Đề nghị sớm ban hành Quy định định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo thể tích hoặc khối lượng rác để địa phương có căn cứ thực hiện việc lập, trình thẩm định, phê duyệt phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy việc phân loại rác theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường.

(2) Đề nghị tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, với một số nội dung: Bổ sung điều khoản xử lý vi phạm khi cơ sở không có sổ nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải; biện pháp khắc phục hậu quả đối với các chủ dự án không thuộc trường hợp phải lập đánh giá tác động môi trường, chỉ thuộc trường hợp phải cấp giấy phép môi trường nhưng chưa có giấy phép môi trường mà đã triển khai xây dựng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

*Về đề nghị sớm ban hành Quy định định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo thể tích hoặc khối lượng rác:

Theo quy định tại khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó bao gồm quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 948/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 4 năm 2023 thành lập Tổ soạn thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bộ đã và đang tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải xin ý kiến các tổ chức, cá nhân đối với 02 dự thảo Thông tư trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường; đã gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương đối với 02 dự thảo Thông tư. Hiện nay, dự thảo Thông tư ban hành quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được thẩm định theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đang hoàn thiện dự thảo Thông tư để trình Bộ trưởng ký ban hành theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp, tổ chức các buổi họp và làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính về phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo phù hợp với Luật Giá và các luật có liên quan.

Tại khoản 6 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 73 Luật Giá năm 2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao trách nhiệm: quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chỉ trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về giá.

*Về đề nghị tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022: Theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ được giao xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trình Chính phủ vào tháng 11 năm 5 2024. Về nội dung bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi không có giấy phép môi trường; bổ sung hành vi không có số nhật ký vận hành hệ thống xử lý chất thải, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định cũng đã được đơn vị soạn thảo đề cập và đưa ra thảo luận, tuy nhiên hiện nay còn có các quan điểm, ý kiến khác nhau về vấn đề này. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu nội dung đề nghị của cử trí tỉnh Thanh Hóa để xem xét hoàn thiện dự thảo Nghị định.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - VPTU)