(Thanhhoa.dcs.vn): Xây dựng mô hình “Bản sáng vùng biên” ở khu vực biên giới nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động và tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới, giúp Nhân dân xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận và hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị Bộ đội Biên phòng với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân, nền Biên phòng toàn dân vững mạnh.
Tỉnh Thanh Hóa có 213,6 km đường biên giới đất liền thuộc địa bàn 05 huyện, 16 xã, thị trấn, với 147 thôn, bản; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Trong những năm qua, Trung ương và tỉnh luôn quan tâm có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư nguồn lực vào khu vực biên giới, miền núi để phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó khu vực miền núi nói chung và vùng biên giới nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khu vực biên giới, miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Kinh tế phát triển chậm; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao; các chính sách an sinh xã hội đã được quan tâm song chưa đáp ứng hết được nhu cầu của người dân; trình độ, nhận thức của một bộ phận người dân có mặt còn hạn chế, một số phong tục tập quán, hủ tục lạc hậu vẫn chưa được xóa bỏ trong tiềm thức của người dân; tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm về ma túy vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” ở khu vực biên giới tỉnh
Thanh Hóa. (Ảnh: BBT)
Để tiếp tục cụ thể hoá các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở thôn, bản; ngày 28/5/2024, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 1332/KH-BCH về xây dựng mô hình “Bản sáng vùng biên” ở khu vực biên giới của tỉnh, báo cáo Tỉnh ủy xin chủ trương để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở chủ trương thống nhất của Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền 05 huyện biên giới gồm: Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa và Mường Lát để lãnh đạo, chỉ đạo các đồn Biên phòng và các xã biên giới khảo sát, đánh giá thực trạng, thống nhất lựa chọn 11 thôn, bản, khu phố (gọi chung là bản) khó khăn nhất thuộc 11 đồn Biên phòng theo dõi để thực hiện mô hình “Bản sáng vùng biên” gồm: Đồn Biên phòng Bát Mọt thực hiện tại thôn Ruộng, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân; đồn Biên phòng Yên Khương thực hiện tại bản Tứ Chiềng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh; đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thực hiện tại bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn; đồn Biên phòng Tam Thanh thực hiện tại bản Pa, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn; đồn Biên phòng Mường Mìn thực hiện tại bản Yên, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn; đồn Biên phòng Hiền Kiệt thực hiện tại bản Chiềng Căm, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa; đồn Biên phòng Trung Lý thực hiện tại bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát; đồn Biên phòng Pù Nhi thực hiện tại bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát; đồn Biên phòng Tam Chung thực hiện tại bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát; đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn thực hiện tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát; đồn Biên phòng Quang Chiểu thực hiện tại bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát.
Theo Kế hoạch, thời gian thực hiện trong 3 năm (2024 - 2027), sau đó sẽ tổng kết, đánh giá mô hình điểm để nhân rộng. Nội dung được xác định xây dựng 04 nhóm gồm: (1) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị cơ sở tuyên truyền, vận động Nhân dân ở khu vực biên giới nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương; (2) Tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp xã tập trung củng cố chi uỷ chi bộ, ban quản lý bản và ban công tác mặt trận trong sạch vững mạnh; (3) Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh tại thôn, bản khu vực biên giới; (4) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ cơ sở; duy trì, phát huy tốt các nội dung về quy ước, hương ước trong thôn, bản.
Trên cơ sở các nội dung trên, các đơn vị Biên phòng phối hợp với địa phương khảo sát, xác định các nội dung công việc và lộ trình thực hiện, trong đó ưu tiên chọn việc dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó, có kết quả, có sản phẩm, có thay đổi để Nhân dân trực tiếp thấy hiệu quả. Quá trình thực hiện phải linh hoạt, có việc phải làm ngay như: Củng cố cơ sở chính trị tại bản, các chi hội đoàn thể, duy trì chế độ nền nếp sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ và giải quyết các bức xúc, nhu cầu trong Nhân dân như tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, xóa nhà tạm nhà dột nát…; có việc phải tranh thủ phát huy nguồn lực từ các chương trình, dự án và xã hội; có việc phải bàn bạc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, nghe dư luận phản hồi, phản biện để tiếp thu điều chỉnh; có việc phải làm điểm, làm thử để Nhân dân nhận thấy ý nghĩa, giá trị thiết thực, phù hợp, qua đó tự giác tích cực tham gia thực hiện và dễ nhân rộng ra các hộ khác, bản khác.
Để thực hiện có hiệu quả 04 nhóm nội dung trên, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và sự vào cuộc của các đơn vị Biên phòng, thì việc huy động các nguồn lực là vấn đề có tính quyết định. Vì vậy, ngay khi xây dựng Kế hoạch, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xác định 04 nhóm nguồn lực để triển khai thực hiện mô hình "Bản sáng vùng biên", đó là:
Thứ nhất, từ lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, trong đó sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tham mưu, phối hợp với địa phương và trực tiếp giúp sức xây dựng các bản khó; vận động cán bộ, chiến sỹ quyên góp, ủng hộ, tham gia đóng góp ngày công lao động, trao tặng cây, con giống; trực tiếp hướng dẫn Nhân dân về kỹ thuật, nuôi trồng; nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế vùng biên giới để giúp người dân tạo công ăn việc làm tại chỗ, tạo sự phát triển bền vững. Để huy động được nguồn lực này, bên cạnh 11 đồn Biên phòng trực tiếp huy động hỗ trợ 11 bản, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phân công các phòng, ban thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đồn Biên phòng tuyến biển tham gia đồng hành, hỗ trợ với các đồn tuyến miền núi.
Cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý chuyển giao kỹ thuật trồng cây sắn năng suất cao cho người dân tại bản Lìn, xã Trung Lý, huyện Mường Lát.
(Ảnh: Báo Thanh Hóa)
Thứ hai, từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội đang triển khai theo sự phân bổ của địa phương để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đây là nguồn lực được Trung ương, tỉnh, huyện hoặc các ngành phân bổ hàng năm để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Do đặc thù địa lý, khí hậu nên việc hoàn thiện các công trình hạ tầng cơ bản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc các công trình đầu tư nhanh xuống cấp, thậm chí có nơi không phát huy được hiệu quả. Từ thực tế đó, Bộ đội Biên phòng sẽ có trách nhiệm cùng với địa phương khảo sát, đề xuất phương án thực hiện, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào, phát huy tối ưu công năng. Đồng thời, tăng cường công tác tham mưu, giúp Nhân dân thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân hưởng thụ”.
Thứ ba, từ nguồn lực xã hội, theo đó sẽ huy động các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài địa bàn tham gia trực tiếp ủng hộ, trao tặng hoặc xây dựng các công trình như: Cổng chào, tủ sách, điểm trường, nhà văn hoá, khu đổ rác công cộng, đường giao thông, đèn điện chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời… Sau khi hoàn thành công trình sẽ bàn giao cho thôn, bản và Nhân dân quản lý, sử dụng. Các hoạt động vận động được phát động ở tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh; đồng thời các đồn Biên phòng sẽ tham mưu và tham gia cùng với cùng với xã, thôn, bản đi vận động nguồn lực ở trong và ngoài địa bàn (các đơn vị đỡ đầu, kết nghĩa xã) để tăng tính cộng đồng trách nhiệm.
Thứ tư, từ nguồn lực tại chỗ đó chính là sức dân. Các đơn vị Biên phòng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, phát huy tối đa sự vào cuộc của người dân, nhất là khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau trong sản xuất, tương trợ bằng các hình thức như: hỗ trợ, trao đổi ngày công, con giống, cây giống; đóng góp công sức xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, làm đường điện chiếu sáng, rãnh thoát nước, chỉnh trang sân vườn tường cổng, trồng và bảo vệ hàng cây, đường hoa. Mọi việc làm đều phải được bàn bạc công khai, minh bạch từ chủ trương, kế hoạch, biện pháp thực hiện để Nhân dân được biết, được bàn, được làm, được đóng góp và được hưởng thụ thành quả.
Xây dựng “Bản sáng vùng biên” là công việc khó, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự phối hợp hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương và sự chung tay đồng hành của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhà hảo tâm, cùng với truyền thống gắn bó máu thịt của quân dân biên giới, với trách nhiệm trước đồng bào các dân tộc, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ quyết tâm nỗ lực cao nhất để đồng hành cùng với Nhân dân xây dựng các bản làng biên giới sớm trở thành những “bản sáng” thực sự trên biên giới của tỉnh nhà./.