(Thanhhoa.dcs.vn): Trong những năm qua, hệ thống ngành xuất bản của tỉnh đã được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu của người đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trước những vấn đề thực tiễn và yêu cầu cấp bách, ngày 25/8/2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 42-CT/TW "Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” nhằm tạo bước phát triển vững chắc, mạnh mẽ và nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Trong 20 năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương và của tỉnh.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động xuất bản, in, phát hành, như: Quyết định số 194-QĐ/TU ngày 22/4/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan liên quan trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản; Kế hoạch số 202-KH/TU ngày 03/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị; Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 14/3/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm; Quyết định số 707/QĐ-UBND ngày 02/3/2016 về quy hoạch phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;... Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xuất bản; chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh phát triển đúng định hướng và bảo đảm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn làm việc với Tỉnh ủy Thanh Hóa về kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.(Ảnh: BBT)

Hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, phát triển đa dạng, rộng khắp, đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 01 nhà xuất bản (Nhà Xuất bản Thanh Hóa) và 25 cơ sở in đang hoạt động (gồm: 17 cơ sở in xuất bản phẩm, 08 cơ sở đăng ký hoạt động in tem, nhãn, bao bì,..). Mạng lưới phát hành xuất bản phẩm phát triển đến 100% trung tâm các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, đến tận các khu vực vùng sâu, vùng xa và miền núi. Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đã mở rộng mạng lưới bưu chính, chuyển phát rộng khắp trên toàn tỉnh, thực hiện tốt công tác phát hành báo, tạp chí, ấn phẩm đến các địa bàn, khu vực dân cư, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi; từ năm 2004 đến nay, đã vận chuyển, phát hành báo, tạp chí, ấn phẩm đạt trên 295 triệu tờ/cuốn, trong đó báo công ích chiếm hơn 60%. Các siêu thị sách, nhà sách tư nhân, các đại lý và kiốt phát hành lẻ tăng cường kinh doanh, cung cấp các sản phẩm sách tổng hợp (văn học, kỹ thuật, nghệ thuật, thiếu nhi, tham khảo...) và sách giáo khoa, sách dùng trong nhà trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng người dân.

Hoạt động xuất bản sách và văn hóa phẩm đạt kết quả tích cực. Nhà Xuất bản Thanh Hóa đã tập trung đa dạng hóa các đề tài, nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm; từ năm 2004 đến nay, đã xuất bản được 8.983 đầu sách với 24.095.664 bản (trong đó: Sách Nhà nước đặt hàng 44 đầu sách với 103.267 bản, sách phục vụ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 15 đầu sách với 19.150 bản); liên kết xuất bản, phát hành 1.950 mẫu lịch các loại với 30.891.100 bản. Các xuất bản phẩm phát hành đều đảm bảo về nội dung và hình thức, nhiều xuất bản phẩm có giá trị về tư tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, nội dung tập trung khai thác, giới thiệu, quảng bá đậm nét bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, như: "Tinh hoa văn hóa xứ Thanh", "Bác Hồ với Thanh Hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác", "Khởi nghĩa Ba Đình", "Danh nhân Thanh Hóa", "Lê Lợi con người và sự nghiệp", "Di tích và danh thắng Thanh Hóa", "Thơ Thanh Hóa thế kỷ XX", "Văn bia Thanh Hóa", "Thanh Hóa - Quảng Nam sâu nặng nghĩa tình", "Tuyển tập văn hóa dân gian Thanh Hóa"… Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã biên tập, in và phát hành nhiều tài liệu, ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của ngành, địa phương, với số lượng hàng trăm loại tài liệu, ấn phẩm mỗi năm. Ấn phẩm "Thông báo nội bộ" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn, phát hành hơn 200.000 bản/năm; bản tin cấp huyện trung bình phát hành khoảng 180.000 bản/năm.

Việc huy động các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động xuất bản được quan tâm; đặc biệt là trong hoạt động in ấn; đến nay, toàn tỉnh đã có 25 cơ sở in với quy mô khác nhau thuộc nhiều thành phần kinh tế; một số đơn vị đã có những cách làm mới, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghê, chuyển đổi số trong cả 3 khâu: chế bản, in và gia công sau in, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở in nhỏ lẻ, in sao chụp (photocopy) tư nhân, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Nội dung in chủ yếu là các tài liệu thông thường như: sổ, sách, tờ rơi, tờ gấp, quảng cáo, thiếp mời... 

Các em học sinh hưởng ứng Lễ phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, với chủ đề “Sách hay cần bạn đọc” tại huyện Nông Cống. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được quan tâm. Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức phát động sâu rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thu hút đông đảo bạn đọc, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. Các đơn vị phát hành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong việc phát hành xuất bản phẩm đến với bạn đọc, như: Tổ chức quảng bá, giới thiệu các đầu sách mới, có giá trị; mở các đợt giảm giá sách để thu hút người đọc; tổ chức cấp phát sách tài trợ tại các huyện miền núi, vùng khó khăn... Từ năm 2004 đến nay, đã thực hiện luân chuyển 13.807 bản sách, báo về 112 điểm Bưu điện Văn hoá xã; 28.398 bản sách về 446 thư viện trường học; 1.850 bản sách về thư viện xã, phường, thị trấn; 16.821 bản sách về các Trại giam, Trại tạm giam trên địa bàn tỉnh. Tại các xã, phường, thị trấn đã bố trí các Tủ sách pháp luật, bình quân mỗi tủ sách có khoảng từ 300 - 500 đầu sách; 100% xã, phường, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa xã, trong đó có trên 100 điểm cung cấp truy cập Internet, phục vụ nhu cầu đọc của người dân. Hệ thống thư viện, phòng đọc trong các trường học, cơ quan được đầu tư nâng cấp, số lượng sách, tài liệu được bổ sung thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của các đối tượng người đọc; nhiều đơn vị đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm máy tính kết nối mạng để tra cứu, số hoá các sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện phục vụ người đọc.

Nhiều độc giả thường xuyên đến Thư viện tỉnh để đọc sách và tra cứu thông tin. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư ở một số cấp ủy, địa phương, đơn vị chưa kịp thời; chưa chủ động nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển. Mạng lưới phát hành phân bố chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở các khu vực thành phố, thị xã; số lượng các ấn phẩm xuất bản đến được khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn ít. Chất lượng xuất bản phẩm trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đi vào chiều sâu, nhất là đề tài về nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, những gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị. Tình trạng sách lậu, sách in nối bản, sách kém chất lượng vẫn còn lưu hành trên thị trường. Chất lượng đội ngũ cán bộ ngành xuất bản chưa đồng đều, nhất là cán bộ biên tập xuất bản. Việc huy động, thu hút các nguồn lực tham gia vào hoạt động xuất bản còn hạn chế; công tác mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản chưa đáp ứng yêu cầu phát triển...

Qua 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX), có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Một là, phải tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của các cấp chính quyền, sự đồng thuận trong Nhân dân đối với việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm.

Hai là, phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch xuất bản giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản xuất bản với các đơn vị hoạt động trong ngành xuất bản.

Ba là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động xuất bản, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia vào các khâu của hoạt động xuất bản.

Bốn là, phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nhất là việc giới thiệu, quảng bá xuất bản phẩm bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hình thành thói quen sử dụng sách và phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư.

Năm là, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, tiến hành nghiêm túc công tác sơ kết, tổng kết; nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW; khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt.

Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành xuất bản, in, phát hành theo Quy hoạch phát triển lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản theo cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của Nhân dân. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các xuất bản phẩm phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng thông tin, văn hóa của Nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh./.

(BBT)

Tin đã đăng