Sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Tham gia góp ý, ĐBQH Lê Văn Cường (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa), Phó Giám đốc Sở Y tế nhận thấy, dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 8 đã tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH và đã hoàn thiện theo hướng toàn diện. Quan tâm tới khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 7, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Điều 7 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong điều kiện chúng ta chưa thể sửa đổi toàn diện Luật Dược tại thời điểm hiện nay. Những nội dung được sửa đổi tại Điều này nhằm kịp thời thích ứng với tình hình mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Những nội dung cụ thể được sửa đổi tại Điều 7 mang tính nguyên tắc, định hướng, nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành dược bao gồm cả việc giải quyết những vấn đề thực tế, như việc cung ứng thuốc, cải cách, ưu tiên về thủ tục hành chính... song cũng bao gồm cả những mục tiêu, nhiệm vụ mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn với những trọng tâm, trọng điểm cụ thể như chính sách ưu đãi trong đầu tư, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... để phát triển ngành công nghiệp dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong tương lai.

Để bảo đảm tính khả thi, dự thảo luật cũng đã quy định giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 7 (Khoản 14), đây là nội dung mới bổ sung. Tuy nhiên, qua rà soát thấy rằng có những nội dung chính sách mang tính nguyên tắc, định hướng hoặc các chính sách đã được thể hiện tại các điều luật khác thì không nhất thiết phải giao quy định chi tiết. Đồng thời, nghiên cứu hồ sơ dự thảo luật trình kỳ họp, tại dự thảo Nghị định còn nhiều chính sách chưa được quy định cụ thể, điều này có thể dẫn tới việc khó bảo đảm tính khả thi, hiệu lực pháp lý của luật.

Do vậy, đại biểu Lê Văn Cường đề nghị cần phải tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn nữa các chính sách ngay trong dự thảo Luật. Đối với những chính sách giao Chính phủ quy định chi tiết thì cũng cần được thể hiện đầy đủ trong Nghị định của Chính phủ để đảm bảo hiệu lực thực thi.

Đối với khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật quy định về việc sửa đổi, bổ sung Điều 8. Theo đó, tại phần nội dung của khoản 1 Điều 8, dự thảo đang đưa ra 2 phương án lựa chọn, đại biểu Lê Văn Cường đề nghị xem xét lựa chọn theo Phương án 1, bởi 2 lý do sau: Một là, tại Phương án 1 quy định quy mô cụ thể của dự án đó là các dự án “có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm”. Với quy định này mặc dù có sự khác biệt so với các quy định của Luật Đầu tư, tuy nhiên nếu đánh giá từ thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình phát triển ngành dược trong giai đoạn hiện nay thì với quy mô mà dự thảo luật đưa ra, ưu đãi được áp dụng đối với dự án có quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên và thời gian giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm là hoàn toàn phù hợp và có tính khả thi cao. Đồng thời, quy định như vậy cũng hoàn toàn bảo đảm sự cân bằng, tạo động lực phát triển và môi trường đầu tư trong mối tương quan giữa ngành dược với các ngành, nghề khác trong xã hội.

Hai là, về cơ sở pháp lý, tại Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ và dẫn quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư như sau: “Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó”.

Như vậy, với quy định dẫn chiếu từ Điều 4 Luật Đầu tư nêu trên thì hoàn toàn đủ cơ sở pháp lý để khẳng định quy định theo Phương án 1 của dự thảo luật bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, không có mâu thuẫn, xung đột pháp lý giữa Luật Đầu tư và Luật Dược liên quan tới nội dung về ưu đãi đầu tư. Nội dung của Phương án 1 chính là nội dung thực hiện theo quy định của Luật Dược mà không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Đây chính là ưu đãi mà ngành dược cần có được để bảo đảm sự phát triển ngay cả trong ngắn hạn cũng như trong tương lai.

Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, dự thảo luật đã có nhiều tiếp thu, chỉnh lý mới theo hướng bảo đảm sự chặt chẽ, thận trọng đối với một phương thức kinh doanh mới liên quan tới sức khỏe con người, những chỉnh lý này đã có đủ cơ sở để đảm bảo cho một phương thức kinh doanh dược mới đi vào vận hành trên thực tế. Theo đó, dự thảo luật đã có những quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh, về phương tiện điện tử, về loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, hành vi nghiêm cấm, về bảo mật thông tin người mua, về truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, giá bán thuốc... theo phương thức thương mại điện tử.

Tuy nhiên, tại dự thảo luật chưa có quy định nào thể hiện hoặc giải thích rõ việc “kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo “phương thức thương mại điện tử theo quy định của Luật này” là gì ?

Tại điểm a khoản 1 Điều 32 (Luật sửa đổi) quy định: “a) Kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến”. Với nội dung này, dự thảo luật đã nêu lên phương tiện thực hiện việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử nhưng chưa thể hiện được việc Luật chỉ cho phép và giới hạn kinh doanh trên 3 phương tiện bao gồm: sàn giao dịch thương mại điện tử; ứng dụng thương mại điện tử bán hàng; website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Do vậy, để đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất giữa cách hiểu và thực thi Luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phương thức này, đề nghị cần bổ sung tại phần giải thích từ ngữ để quy định, chỉ định rõ: “Theo Luật này hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là hoạt động kinh doanh được thực hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến được phép hoạt động theo pháp luật Việt Nam.”

(Nguồn:baothanhhoa.vn)