(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 21/10/2024, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc ban hành Kế hoạch số 249-KH/HU về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Vĩnh Lộc quan tâm công tác đào tạo nghề hiệu cho lao động nông thôn /(Ảnh: sưu tầm)
Theo đó, để quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW, gắn với thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền; phát huy mạnh mẽ hệ thống thông tin cơ sở, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; kịp thời phát hiện, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện.
Hai là, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách của Trung ương, của Tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân nông thôn. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động đào tạo nghề và việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay đối với lao động nông thôn tham gia học nghề, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.
Ba là, Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp, quan tâm đào tạo nghề cho học sinh khu vực nông thôn tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề. Tập trung đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Nghiên cứu xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động; triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế hợp tác 03 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có trình độ, kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Bốn là, Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thường xuyên cập nhật nghề, chuẩn hoá nội dung đào tạo, chú trọng thực hành và tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình đào tạo; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế của từng địa phương trong huyện.
Năm là, Bảo đảm nguồn lực và các điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chú trọng lồng ghép nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của từng địa phương. Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện để bảo đảm iều kiện đào tạo nghề, nhất là những nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp có chất lượng; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, người sản xuất giỏi, lao động có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện./.