(Thanhhoa.dcs.vn): Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 20/2024/TT-BCT quy định phương pháp lập khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn và nhà máy điện sinh khối.

Thông tư số 20/2024/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 26/11/2024, bao gồm 04 Chương, 12 Điều và được áp dụng sau khi bãi bỏ các quy định về giá điện hỗ trợ (FIT) cho các loại hình dự án điện sinh khối, sử dụng chất thải rắn tại các văn bản hiện hành. Các đối tượng áp dụng của Thông tư là các Nhà máy điện chất thải rắn, nhà máy điện sinh khối, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, Khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn, nhà máy điện sinh khối được xác định trong dải giá trị từ 0 (đồng/kWh) đến mức giá của Nhà máy điện chuẩn. 

Trong đó, Nhà máy điện chuẩn là nhà máy điện chất thải hoặc nhà máy điện sinh khối đã được lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, có quy mô công suất phổ biến, đại diện cho loại hình nhà máy điện chất thải rắn và nhà máy điện sinh khối, được sử dụng để tính toán khung giá phát điện.

Tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình điện rác, điện sinh khối. (Ảnh: internet)

Giá phát điện của nhà máy điện chuẩn được xác định theo ba thành phần chính, bao gồm: (i) Giá cố định bình của nhà máy điện chuẩn: là thành phần để thu hồi chi phí đầu tư, được xác định theo chi phí vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện chuẩn (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) được quy đổi đều hằng năm, với điện năng giao nhận bình quân nhiều năm của nhà máy điện chuẩn. (ii) Giá vận hành và bảo dưỡng cố định của nhà máy điện chuẩn: là thành phần để thu hồi chi phí sửa chữa lớn, nhân công và các chi phí khác hằng năm; (iii) Giá biến đổi của nhà máy điện chuẩn cho năm áp dụng khung giá: là thành phần để thu hồi chi phí nhiên liệu, các chi phí biến đổi khác của nhà máy điện với số giờ vận hành công suất cực đại.

Về trình tự lập, thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện, Bộ Công Thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm đề xuất lựa chọn nhà máy điện chuẩn, tính toán hoặc có thể thuê tư vấn lựa chọn bộ thông số và tính toán giá phát điện của nhà máy điện chuẩn, lập hồ sơ trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ và tổ chức thẩm định khung giá phát điện, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Điều tiết điện lực. Hồ sơ đề nghị phê duyệt khung giá phát điện bao gồm: Tờ trình đề nghị thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện; bảng thông số và các tài liệu tính toán giá phát điện cho các nhà máy điện chuẩn theo quy định.

Về tình hình phát triển các nguồn điện chất thải rắn và nhà máy điện sinh khối của tỉnh Thanh Hóa; hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 03 dự án điện sinh khối dùng nhiên liệu bã mía của các nhà máy đường đã vận hành với tổng công suất 47,7MW; đang triển khai thi công dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn với công suất xử lý 1.000 tấn rác/ngày.đêm, phát điện 18 MW (dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trước ngày 30/12/2025); bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực các dự án: Điện rác Thọ Xuân (12MW); Điện rác Nghi Sơn (20 MW) và 03 dự án sinh khối, gồm: Điện sinh khối Như Thanh (10 MW), điện sinh khối Ngọc Lặc (60MW), điện sinh khối Bá Thước (50MW)./.

(Phạm Minh Đức - VPTU)