(Thanhhoa.dcs.vn): Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Nghị định có phạm vi áp dụng mở rộng cho tất cả các đối tượng là nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng trên phạm vi cả nước. Việc mua bán điện trực tiếp giữa các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Nghị định có hiệu lực từ 22/10/2024.
Cụ thể, Nghị định 135 cho phép tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất lắp đặt trong các trường hợp: Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia; lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia; hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100 kW. Đối với các tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực và đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.
Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành; được rút gọn các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật chuyên ngành hiện hành. Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật. Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn hoặc không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh.
Hệ thống điện mặt trời tại Nhà máy may Huệ Anh, thị xã Bỉm Sơn. (Ảnh: sưu tầm)
Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch và điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100 kW nếu không dùng hết được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế. Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế. Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề, do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.
Nghị định 135 cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân tự quyết định lắp đặt hệ thống lưu trữ điện (BESS) để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.
Nhà máy Điện mặt trời Yên Định (30 MW), tại xã Yên Thái, huyện Yên Định là nhà máy điện tập trung đang vận hành
trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Minh Đức)
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 619 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt khoảng 67 MW và 01 Nhà máy điện mặt trời Yên Định (công suất 30 MW) đang vận hành vận hành; có 01 dự án Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I (công suất 160MW) đang đầu tư; bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực một số dự án điện mặt trời tại các khu vực có tiềm năng. Tỉnh Thanh Hóa đang thu hút phát triển công nghiệp, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 135, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân nghiên cứu đầu tư các hệ thống điện mặt trời tự sản, tự tiêu cho các nhà xưởng, góp phần cung cấp nguồn năng lượng tái tạo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với định hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững./.