Sáng 25/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa Bộ GD&ĐT kết nối với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ trì hội nghị (từ trái sang phải): Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; đại diện các bộ, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các địa phương trong tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Theo số liệu thống kê năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non (CSGD MN), phổ thông công lập. Trong đó 12.131 CSGD MN, 15.232 trường TH, 10.844 trường THCS, 2.286 trường THPT và 904 trường phổ thông có nhiều cấp học. Cả nước có 553.181 phòng học các cấp MN, phổ thông công lập, số phòng học kiên cố khoảng 364.367 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa (KCH) là 65,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ phòng học KCH cấp học MN đạt rất thấp, tỷ lệ KCH trung bình cả nước chỉ là 47,7% (vùng Tây Bắc chỉ khoảng 36,5%, Tây Nguyên 35,4%, Bắc Trung Bộ 32,8%); tại cấp TH tỷ lệ KCH trung bình cả nước cũng chỉ là 61,6% (thấp nhất là vùng Tây Bắc chỉ khoảng 43%, Đồng bằng sông Cửu Long 48,4%).

Đến hết năm 2023, cả nước hiện có 38.994 CSGD MN, phổ thông công lập. Trong đó bao gồm: 13.385 CSGD MN, 12.182 trường TH, 8.925 trường THCS, 2.302 trường THPT và 2.200 trường phổ thông có nhiều cấp học. So với năm 2013, tổng số trường đã giảm 2.403 trường (do các dịa phương thực hiện quy hoạch lại, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy nhỏ, dồn ghép các điểm trường lẻ, tuy nhiên số lớp và số học sinh tăng). Cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp MN, phổ thông công lập, tăng 73.290 phòng học so với năm 2013; trong đó, số phòng học kiên cố là 545.375 phòng, đạt tỷ lệ KCH là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013.

Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học thay đổi sau 10 năm.

Về nhà công vụ (NCV) cho giáo viên, từ năm 2014 đến nay, do nguồn vốn trung ương hỗ trợ (trái phiếu Chính phủ là nguồn vốn chủ yếu để hỗ trợ các địa phương thực hiện KCH và NCV cho giáo viên) cho lĩnh vực giáo dục hạn chế nên mới chỉ tập trung ưu tiên cho nhu cầu cấp bách là KCH các phòng lớp học mà chưa tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng NCV cho giáo viên. Theo số liệu thống kê hết năm 2023, nhu cầu NCV của các địa phương vẫn còn 10.794 phòng.

Bằng nhiều cách làm khác nhau, 10 năm qua, các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân hảo tâm trên cả nước đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, chủ động hỗ trợ kinh phí để KCH trường lớp học và NCV cho giáo viên. Giai đoạn 2013 - 2023, đã có trên 300 tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư XHH để KCH trường, lớp học và NCV cho giáo viên; số phòng học được đầu tư từ nguồn XHH là khoảng 36.000 phòng; số phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn XHH là khoảng 1.300 phòng với tổng kinh phí XHH ước khoảng 33.000 tỷ đồng.

Phấn đấu đến năm 2030 số phòng học được KCH đạt 100% (khoảng 75.380 phòng học) và đầu tư xây dựng đủ số phòng công vụ cho giáo viên theo nhu cầu (khoảng 10.794 phòng công vụ cho giáo viên), trong thời gian tới, ngành giáo dục xác định quy hoạch mạng lưới trường, lớp học tại các địa phương là giải pháp trọng tâm để thu hút đầu tư cho giáo dục từ nguồn XHH, đặc biệt là việc KCH trường, lớp học và NCV cho giáo viên.

Các địa phương tiếp tục rà soát và điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó đảm bảo quỹ đất để xây dựng và mở rộng các CSGD phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài. Ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng CSGD theo các quy định của Nhà nước.

Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, xây dựng các chương trình đề án về đầu tư CSVC, giao trách nhiệm cho các cấp chính quyền thực hiện theo phân cấp, có lộ trình cụ thể.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu đầu tư KCH trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên cả nước. Cơ sở dữ liệu được công khai và các CSGD có thể khai báo, đăng tải thông tin thường xuyên khi có nhu cầu.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2024, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT công bố Cổng thông tin về nhu cầu KCH trường, lớp học và NCV cho giáo viên trong hệ thống các trường mầm non, phổ thông công lập tại địa chỉ (http://xhh.moet.gov.vn/). Cổng thông tin được xây dựng với mục đích giới thiệu được những địa chỉ cần KCH và bổ sung phòng công vụ cho giáo viên để các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm có mong muốn đóng góp nhiều hơn cho ngành giáo dục và các CSGD thực sự khó khăn về CSVC, trường, lớp học và NCV cho giáo viên.

Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa địa phương và doanh nghiệp. Chính quyền các cấp ở địa phương cần làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp, cung cấp cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích họ đầu tư vào giáo dục.

Khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) để tận dụng tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần phải thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực XHH, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.

Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT đã vinh danh, biểu dương các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội hóa thực hiện KCH trường, lớp học. Đồng thời tiếp nhận các nguồn tài trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ cho công tác KCH trường, lớp học và xây dựng NCV cho giáo viên trong thời gian tới.

(Nguồn:baothanhhoa.vn)