Với vị trí hết sức thuận lợi nên Quảng Tiến vinh dự được chọn là địa điểm đầu tiên đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Từ sự kiện lịch sử hết sức vẻ vang ấy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương đang nỗ lực dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.

Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nằm trên địa bàn phường Quảng Tiến.

Xã Quảng Tiến được thành lập vào tháng 6/1954, trên cơ sở tách xã Quảng Tiến (lớn) thành 4 xã gồm Quảng Sơn (nay là phường Trường Sơn và một phần phường Bắc Sơn), Quảng Cư, Quảng Tường (nay là phường Trung Sơn và một phần phường Bắc Sơn) và Quảng Tiến (nhỏ). Xã Quảng Tiến nằm ở phía Bắc của Sầm Sơn, là nơi dòng sông Mã gặp biển. Vì vậy, sau ngày thành lập không lâu, Quảng Tiến vinh dự được Đảng, Bác Hồ chọn làm địa điểm đầu tiên đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954.

Lúc bấy giờ, cùng với Nhân dân các xã trong khu vực Quảng Xương, Sầm Sơn và Nhân dân các huyện trong tỉnh, xã Quảng Tiến đã huy động hàng nghìn ngày công lao động của quân và dân trong xã, để tiếp nhận nguyên vật liệu từ các huyện chuyển về. Đồng thời, tham gia làm việc ngày, đêm để hoàn thành sớm nhất 2 khu lán trại và cây cầu từ Cửa Hới ra giữa sông Mã. Tiếp đó, cùng với các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh, cấp ủy, chính quyền và người dân Quảng Tiến tiếp tục tham gia đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, với tinh thần “Bắc - Nam một nhà”.

Có thể nói, Quảng Tiến đã được tham gia tất cả các công việc có liên quan đến việc đón tiếp đồng bào tập kết và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng giao phó. Phát huy truyền thống là nơi đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, từ khi đất nước thống nhất, cùng với cả nước và cả tỉnh, Quảng Tiến bước vào công cuộc kiến thiết và dựng xây. Với sự chuyển mình mạnh mẽ, năm 2009, phường Quảng Tiến được thành lập trên cơ sở chuyển nguyên trạng địa giới hành chính, dân số xã Quảng Tiến. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển đi lên trên con đường CNH, HĐH quê hương.

Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Tiến tiếp tục nỗ lực, đoàn kết xây dựng và phát triển địa phương ngày càng giàu mạnh. Thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định. Trong đó, tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 1.059,45 tỷ đồng, đạt 77,47% kế hoạch, tăng 5,38% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, góp phần tạo dựng diện mạo đô thị ngày càng khang trang...

Khai thác và chế biến hải sản vẫn là thế mạnh. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Đảng về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, Quảng Tiến phát huy mạnh mẽ vai trò của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các tổ, đội đánh bắt hải sản như những “làng” trên biển và là cột mốc chủ quyền Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hiện nay, toàn phường Quảng Tiến có 9 tổ, đội đoàn kết, liên kết sản xuất trên biển, với sự tham gia của 43 thuyền. Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đời sống Nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,12%, hộ cận nghèo còn 3,07%. Đã thực hiện tốt việc xóa nhà tạm bợ, vận động ủng hộ xây dựng, sửa chữa hơn 75 nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách khó khăn về nhà ở...

Hệ thống chính trị từ phường đến tổ dân phố được củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và bảo đảm. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Đảng bộ phường được công nhận hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Tiến cũng hết sức chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử, cùng các giá trị văn hóa truyền thống làm nền tảng cho phát triển bền vững. Đặc biệt, mới đây, Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, được Nhà nước đầu tư xây dựng và nằm ngay tại địa điểm đón đồng bào tập kết cách đây 70 năm. Công trình hoàn thành đã tạo thêm nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương. Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng để bảo vệ, gìn giữ, phát huy có hiệu quả giá trị của khu lưu niệm. Chỉ đạo các trường học trên địa bàn đưa nội dung giới thiệu ý nghĩa khu lưu niệm cho các học sinh vào các buổi sinh hoạt chuyên đề và thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em tham quan. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, nhất là ở các tổ dân phố xung quanh khu lưu niệm hiểu rõ ý nghĩa của di tích. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ, giữ gìn và hướng dẫn, giới thiệu cho du khách đến nơi này.

Đồng chí Vũ Đình Chinh, Bí thư Đảng ủy phường Quảng Tiến, cho biết: “Kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử quê hương là nơi đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; đồng thời, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Quảng Tiến sẽ nỗ lực viết tiếp những trang sử mới, làm rạng rỡ truyền thống quê hương anh hùng. Đặc biệt, hết sức nỗ lực trong công tác bảo quản, gìn giữ và tổ chức tốt các hoạt động có ý nghĩa, để Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, thực sự trở thành “Địa chỉ đỏ” thu hút Nhân dân khắp mọi miền đến tham quan, tìm hiểu mỗi khi về với thành phố biển Sầm Sơn”.

(Nguồn:baothanhhoa.vn)