Bộ Tài chính đề xuất giao Chính phủ quyền điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, đồng thời cải cách biểu thuế lũy tiến để phù hợp hơn với mức sống dân cư và xu thế quốc tế. Mục tiêu là đảm bảo chính sách thuế vừa công bằng, hiệu quả trong điều tiết thu nhập, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P)

 

Cần thiết điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho phù hợp thực tiễn

Trong dự thảo xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thay thế, Bộ Tài chính nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi quy định về mức giảm trừ gia cảnh để phản ánh đúng sự thay đổi về mức sống dân cư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), và các điều kiện kinh tế - xã hội.

Hiện tại, mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Quy định này đã áp dụng từ năm 2020, giúp giảm gánh nặng thuế cho người dân trong bối cảnh giá cả biến động. Tuy nhiên, mức giảm trừ này cũng làm giảm đáng kể số lượng người phải nộp thuế TNCN. Theo tính toán, người có thu nhập từ 17 triệu đồng/tháng (nếu có một người phụ thuộc) hoặc 22 triệu đồng/tháng (nếu có hai người phụ thuộc) hiện chưa phải nộp thuế TNCN sau khi trừ các khoản bảo hiểm và giảm trừ gia cảnh.

Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam là 4,96 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh hiện hành tương đương hơn 2,21 lần mức thu nhập bình quân này và gần bằng thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất. Điều này khiến chính sách thuế TNCN tại Việt Nam khác biệt so với thông lệ quốc tế, khi mức giảm trừ thường chỉ dao động quanh mức thu nhập bình quân đầu người.

Bộ Tài chính cho rằng mức giảm trừ gia cảnh quá cao sẽ làm mờ vai trò của sắc thuế này, khiến thuế TNCN không còn thực hiện được chức năng điều tiết thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội. Do đó, cần rà soát lại mức giảm trừ gia cảnh để vừa đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, vừa giữ vai trò điều tiết của sắc thuế.

Để đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với bối cảnh thực tiễn, Bộ Tài chính đề xuất giao Chính phủ quyền quy định mức giảm trừ gia cảnh thay vì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định như hiện nay. Điều này sẽ giúp việc điều chỉnh nhanh chóng hơn khi có biến động về giá cả hoặc thay đổi trong mức sống dân cư.

Bộ cũng đề xuất mở rộng các khoản chi phí được giảm trừ, như chi phí y tế, giáo dục, cùng các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo. Đồng thời, phạm vi và mức độ giảm trừ của các khoản này sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, vừa duy trì vai trò điều tiết của chính sách thuế.

Cải cách biểu thuế lũy tiến: Đơn giản và công bằng hơn

Bên cạnh việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính cũng đề xuất thay đổi biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Hiện nay, biểu thuế lũy tiến gồm 7 bậc, với các mức thuế suất từ 5% đến 35%. Khoảng cách giữa các bậc thuế tương đối hẹp, dễ dẫn đến tình trạng “nhảy bậc thuế” khi tổng hợp thu nhập cuối năm, làm tăng số thuế phải nộp không đáng kể nhưng lại gây phức tạp cho việc kê khai, quyết toán thuế.

Để giải quyết bất cập này, Bộ Tài chính đề xuất giảm số bậc thuế và nới rộng khoảng cách thu nhập giữa các bậc. Cách tiếp cận này không chỉ đơn giản hóa công tác kê khai, nộp thuế, mà còn đảm bảo việc điều tiết thu nhập tập trung vào các nhóm có thu nhập cao, góp phần giảm gánh nặng thuế cho nhóm thu nhập trung bình.

Việc cải cách biểu thuế sẽ được xem xét kỹ lưỡng dựa trên chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, mức sống của người dân, và thông lệ quốc tế. Điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi của người lao động mà còn khuyến khích sự phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Các đề xuất sửa đổi của Bộ Tài chính đều hướng đến việc hoàn thiện chính sách thuế TNCN, đảm bảo công bằng và hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ cũng lưu ý rằng mức giảm trừ gia cảnh, phạm vi các khoản chi được giảm trừ, và cơ cấu biểu thuế cần được tính toán cẩn thận để không ảnh hưởng đến vai trò của sắc thuế này trong việc điều tiết thu nhập và đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Việc sửa đổi toàn diện Luật Thuế TNCN không chỉ giúp giải quyết những bất cập hiện tại mà còn đảm bảo hệ thống thuế phù hợp hơn với xu thế phát triển kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế. Qua đó, chính sách thuế TNCN sẽ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công bằng xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững./.

(Nguồn:dangcongsan.vn)