(Thanhhoa.dcs.vn): Công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giảm biên chế luôn được Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa coi trọng. Nhìn lại lịch sử, từ những năm kháng chiến chống Mỹ đến thời kỳ đổi mới; mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, Tỉnh ủy đều đưa ra những chủ trương về công tác cán bộ và tổ chức bộ máy. Sau đây, điểm lại một số chủ trương lớn của Tỉnh ủy qua các thời kỳ.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thư XIII, vòng 1, tháng 4 – 1991. Ảnh: Sách Đảng bộ Thanh Hóa lãnh đạo phát triển kinh tế xóa đói - giảm nghèo (1986 - 2010), Xuất bản 2014.

Thứ nhất, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 225/CP, ngày 25/11/1969 của Hội đồng Chính phủ về việc tinh giảm bộ máy, giảm nhẹ biên chế nâng cao hiệu quả công tác. Ngày 08/4/1970, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Thông tri số 76 - TT/TC về việc “Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc tinh giảm bộ máy, giảm nhẹ biên chế nâng cao hiệu quả công tác”.

Về đánh giá tình hình, Thông tri nêu rõ: “Qua gần 4 năm chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, tình hình biên chế của các cơ quan, các ngành từ tỉnh đến huyện đã tăng lên rất nhanh. Chỉ tính riêng khối Dân Đảng, số lượng cán bộ có mặt đến cuối năm 1969 so với số có mặt của năm 1964 tăng lên 220,2%...Biên chế tăng nhanh như vậy là do yêu cầu của chiến tranh đòi hỏi, nhưng cũng có phần là do chúng ta tăng lên một cách không hợp lý. Có những ngành khối lượng công việc không tăng lên bao nhiêu, nhưng số người biên chế tăng lên gấp 2, 3 lần so với trước chiến tranh. Có một bộ phận ta lập ra nhưng nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu không rõ rệt. Có nơi người nhiều việc ít nên có người hầu như không có việc làm cụ thể thường xuyên, có nhiều thì giờ rỗi rãi để làm việc riêng, lo việc gia đình và bản thân. Tình hình đó đã gây nên lãng phí sức lao động khá lớn và hạn chế phát huy khả năng vươn lên của cán bộ…”.

Qua đánh giá tình hình, Thông tri đưa ra một số định hướng trong việc tinh giảm bộ máy, giảm nhẹ biên chế như: “Coi trọng giải quyết tốt về nhận thức tư tưởng…, xác định rõ nhiệm vụ cụ thể; xác định tổ chức bộ máy; xác định yêu cầu cán bộ các loại; những sửa đổi về lề lối làm việc; đối chiếu cần bỏ những tổ chức không cần thiết, bớt người không cần thiết, những ai cần giải quyết theo các chế độ, số còn lại cách giải quyết như thế nào…”.

Đồng thời, Thông tri cũng nêu những điểm cần chú ý: Phải tiến hành khẩn trương nhưng phải thận trọng, vững chắc, chu đáo, đảm bảo yêu cầu trước mắt và lâu dài. Phải đảm bảo tự giác, phấn đấu đoàn kết…; những người trình độ chuyên môn nghiên cứu hạn chế, khả năng nghiệp vụ yếu, không đáp ứng với nhiệm vụ và yêu cầu công tác ở cơ quan, nhưng lại làm trực tiếp sản xuất tốt thì có thể chuyển sang sản xuất; cán bộ, công nhân khoa học kỹ thuật sử dụng trái ngành, trái nghề thì trả lại ngành nghề cũ và đưa về cơ sở sản xuất; những cán bộ đau yếu, mất sức và đến tuổi hưu trí thì giải quyết theo đúng chế độ, chính sách đã quy định…

Thứ hai, hòa bình lập lại, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giảm biên chế được Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, (Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 09/4/1987 “về việc giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông”); ngày 23/5/1987, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 23/5/1987 “về những chủ trương biện pháp chủ yếu nhằm thực hiện Nghị quyết Hội Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ II”. Đáng lưu ý, ngoài các chủ trương, biện pháp về sản xuất, kinh doanh, phân phối, lưu thông hàng hóa; Nghị quyết đã nhấn mạnh về chấn chỉnh tổ chức, bộ máy, cải tiến phương thức hoạt động của hệ thống cung ứng vật tư và giảm biên chế hành chính.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ: “Bộ máy tổ chức hiện tại, cả khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực sản xuất kinh doanh cồng kềnh, nhiều khâu chồng chéo, nhiều nấc trung gian, hoạt động kém hiệu lực. Phải kiên quyết sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm mạnh biên chế hành chính, gián tiếp, đảm bảo cho bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực cao, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Chuyển một cách dứt khoát từ cơ chế hành chính tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế hoạch toán kinh tế kinh doanh XHCN. Bảo đảm cho tổ chức bộ  máy hoạt động có hiệu lực đúng với yêu cầu mới của nhiệm vụ chính trị và cơ chế quản lý mới…”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm và làm việc tại Thanh Hóa, năm 1986. Ảnh: Sách Đảng bộ Thanh Hóa lãnh đạo phát triển kinh tế xóa đói - giảm nghèo (1986 - 2010), Xuất bản 2014.

Về hướng giải quyết những người dôi ra: “Huy động mọi khả năng, mở rộng sản xuất và dịch vụ tại chỗ ở tất cả các cơ sở có điều kiện để thu hút số người dôi ra sang trực tiếp sản xuất ở từng cơ sở, từng ngành, từng huyện, thị…; Những cán bộ trẻ, khỏe, có thái độ công tác tốt nhưng chưa qua đào tạo thì bố trí cho đào tạo theo ngành nghề cần thiết; Nếu chưa có điều kiện tổ chức sản xuất hoặc chưa đi đào tạo thì: Những cán bộ đã đủ tiêu chuẩn nghỉ hưu, nói chung là sắp xếp cho nghỉ; Những cán bộ còn thiếu một vài năm về tuổi đời hoặc thời gian công tác, có thể cho nghỉ sớm; Những người khác, cho đi liên hệ công tác hoặc về lao động với gia đình và được hưởng nguyên mọi chế độ như còn công tác trong thời gian 6 tháng. Sau thời gian đó, nếu cán bộ ổn định cuộc sống và tự nguyện ở lại thì làm thủ tục cho về gia đình. Nếu đơn vị tổ chức được sản xuất thì ưu tiên gọi họ trở lại sản xuất, công tác…”

Thứ ba, ngày 16/4/1992, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU “về việc tổ chức lại bộ máy và tinh giảm biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp”. Trên sơ sở đánh giá tình hình, Nghị quyết đề ra 3 nhiệm vụ, giải pháp như sau:

(1). Về tổ chức bộ máy: Từng cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể tỉnh và huyện, thị phải căn cứ vào quy định, hướng dẫn của cấp trên mà xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đầy đủ thuộc lĩnh vực, địa bàn được phân công. Trên cơ sở đó mà quyết định lại cơ cấu bộ máy. Trong việc sắp xếp lại bộ máy, cơ bản vẫn theo quy định của nhà nước và cấp trên nhưng không nhất thiết Trung ương, tỉnh có cơ quan nào, bộ phận nào thì ở tỉnh, huyện đều có bộ phận tương tự. Sau khi đã thống nhất bộ máy, từng đơn vị phải làm rõ chức năng nhiệm vụ từng bộ phận cấu thành đơn vị...

Riêng đối với hệ thống sự nghiệp giáo dục đào tạo, Y tế, Văn hoá... phải trên cơ sở yêu cầu phát triển sự nghiệp của đất nước, của địa phương, đồng thời lại phải tính đến thực tế nền kinh tế hiện nay để duy trì, phát triển cho phù hợp. Trước mắt, phải đảm bảo yêu cầu xoá mù chữ, phổ cập tiểu học, có một bộ phận được học lên, chuẩn bị cho sự phát triển của đất nước. Coi trọng chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế cơ sở, tạo điều kiện phòng bệnh, chữa bệnh tốt cho nhân dân... Kiên quyết thu gọn và giải thể những đơn vị không rõ chức năng nhiệm vụ và không còn phù hợp với cơ chế mới hoặc hiệu quả kinh tế - xã hội thấp. Không được tăng biên chế các hội nghề nghiệp. Kinh phí hoạt động của các hội nghề nghiệp cơ bản là tự trang trải

(2). Về biên chế: Phải từ chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức bộ máy để xác định chức danh, tiêu chuẩn viên chức và số lượng biên chế. Từ yêu cầu của công việc mà chọn người, đảm bảo phương châm đúng việc, đúng người, đảm bảo cho bộ máy sau khi sắp xếp lại hoạt động có hiệu lực, hiệu quả...Việc lựa chọn cán bộ viên chức để lại trong hệ thống bộ máy Đảng, Nhà nước, các ngành đoàn thể phải tiến hành thận trọng, khách quan và dân chủ. Có quy trình tiến hành thật chặt chẽ. Phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cán bộ có bằng cấp và cán bộ hoạt động từ thực tiễn là vấn đề cốt lõi là năng lực đảm nhận công việc.

Đối với số cán bộ viên chức không xếp trong dây chuyền hoạt động mới thì hướng giải quyết như sau:

- Những cán bộ (kể cả cán bộ chủ chốt) và nhân viên đã đủ năm công tác được nghỉ chế độ hưu trí không cần qua giám định y khoa.

- Những cán bộ, nhân viên đủ tuổi đời được nghỉ, nhưng năm công tác còn thiếu từ 1 - 3 năm thì có thể cho nghỉ một thời gian hợp lý để chuẩn bị nghỉ chế độ.

- Những trường hợp khác thì khuyến khích cho nghỉ chế độ một lần, cho đi học để đào tạo, hoặc bố trí tham gia vào các tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nơi có điều kiện.

Kiên quyết không để tình trạng việc chưa sắp xếp được mà vẫn để số dư dôi trong hệ thống bộ máy mới.

(3). Về tổ chức thực hiện: Sắp xếp lại tổ chức, tinh giảm biên chế trong hệ thống cơ quan hành chính sự nghiệp là một công tác quan trọng bức bách, nhưng cũng rất phức tạp và khó khăn. Việc làm này đụng chạm đến không ít cán bộ nhân viên. Vì vậy, trong quá trình tiến hành phải đảm bảo sự lãnh đạo tập trung của các cấp uỷ, sự chỉ đoạ điều hành của chính quyền các cấp. Quá trình sắp xếp lại tổ chức và tinh giảm biên chế phải đảm bảo nguyên tắc tập thể lãnh đạo và đề cao trách nhiệm của thủ trưởng. Kết hợp chặt chẽ sự tự giác, tự nguyện của cán bộ, viên chức với dự kiến sắp xếp của tập thể cấp uỷ và thủ trưởng cơ quan./.

(Hoàng Đình Quang - VPTU)