(Thanhhoa.dcs.vn): Trong thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương đã quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất trồng trọt, đạt được kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 12 giống lúa (01 giống lúa lai F1 và 11 giống lúa thuần chất lượng cao); du nhập, khảo nghiệm 06 giống mía mới có năng suất, trữ đường cao để bổ sung vào cơ cấu giống chủ lực; phục tráng một số loại cây trồng (gồm: Lúa nếp hạt cau, nếp cẩm, bưởi Luận Văn, cam Vân Du, quýt vòi, mía Kim Tân); ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống cây trồng sạch bệnh (hoa đồng tiền, hoa lan, mía, chuối tiêu...). Ứng dụng giống biến đổi gen trên cây ngô với diện tích gieo trồng hàng năm đạt trên 10.900 ha, tăng khả năng kháng sâu đục thân và thuốc trừ cỏ, làm giảm công làm cỏ và phun thuốc trong quá trình gieo trồng.

 

Ứng dụng nhà màng, công nghệ thủy cảnh để sản xuất rau của nông dân Thanh Hóa. Ảnh: Ban Biên tập

Việc xây dựng quy trình, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác trong sản xuất đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình và ứng dụng trên diện tích 1.400 ha rau các loại, 6.900 ha lúa sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (tại huyện Yên Định và huyện Thiệu Hóa). Ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà màng để sản xuất rau, quả, hoa trên 200 ha (trong đó diện tích ứng dụng công nghệ thủy canh đạt 2.000 m2); qua đó, giúp nâng cao hiệu quả gấp từ 3 - 4 lần so với sản xuất cây trồng truyền thống.

Đã triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ tưới nước tiết kiệm (tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới thấm...) đối với rau an toàn, cây ăn quả và vùng mía thâm canh với diện tích khoảng 40.000 ha (gồm: Lúa 20.135 ha, rau màu 13.720 ha, cây ăn quả và các loại cây trồng khác 6.145 ha). Ngoài ra, đã triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám và Hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào việc quản lý vùng trồng mía; ứng dụng công nghệ máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật...

(Phòng Tổng hợp - VPTU)