(Thanhhoa.dcs.vn): Từ năm 2021 đến nay, sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 ước đạt 4,95%/năm, cao nhất trong các lĩnh vực của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; cơ cấu tỷ trọng lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp trong nội bộ ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng từ 5,7% năm 2021 lên 6,7% năm 2025.
Đại hội Đại biểu Hội Lâm Nghiệp Thanh Hóa khóa II, Nhiệm kỳ 2024 – 2029. Ảnh: Nguồn Báo Thanh Hóa
Sản xuất lâm nghiệp phát triển theo hướng xã hội hóa, chuyển từ khai thác, hưởng lợi rừng tự nhiên sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng; hàng năm ổn định diện tích bảo vệ rừng 600,836 nghìn ha; chăm sóc 40 nghìn ha và trồng rừng tập trung 10.000 ha trở lên. So với năm 2020, đến năm 2025 sản lượng khai thác gỗ ước đạt 1.100 nghìn m3, tăng 399,850 nghìn m3; nguyên liệu giấy ngoài gỗ 84 nghìn tấn, tăng 04 nghìn tấn; khai thác tre luồng 63,6 triệu cây, tăng 3,6 triệu cây. Đã phát triển vùng trồng luồng thâm canh 45.000 ha, ổn định diện tích rừng gỗ lớn 56.000 ha, vùng quế 1.030 ha.
Đẩy mạnh phát triển rừng bền vững được cấp chứng chỉ FSC với tổng diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ đến nay đạt 36.418 ha; bước đầu đã hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, chất lượng cao, phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Chú trọng phát triển các mô hình nông lâm kết hợp; thực hiện có quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/PLEGT), tạo điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Công tác theo dõi, cập nhật biến động, diễn biến rừng được thực hiện kịp thời, đồng bộ, phản ánh chính xác, khách quan hiện trạng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh tăng từ 53,4% năm 2019 lên 53,91% năm 2024.