(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND các huyện, thị, xã, thành phố, các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học tổ chức triển khai, thực hiện việc kiểm kê di sản văn hoá phi vật các địa phương trong tỉnh.

Theo kết quả kiểm kê đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 719 di sản văn hóa phi vật thể với đủ 07 loại hình, gồm: (1) 20 di sản về tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; (2) 25 di sản ngữ văn dân gian, như: Sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru...; (3) 174 di sản về nghệ thuật trình diễn dân gian; (4) 99 di sản về tập quán xã hội như: Hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ...; (5) 229 di sản lễ hội truyền thống; (6) 105 di sản nghề thủ công truyền thống; (7) 67 di sản tri thức dân gian như: Tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục... Trong tổng số các di sản văn hóa phi vật thể, có 571 di sản đang được thực hành thường xuyên, 82 di sản có nguy cơ mai một và 66 di sản đã bị mai một.

Công tác lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 26 di sản được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, như: Trò diễn Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân; Lễ hội Pôồn Pôông, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc; Nghề đúc đồng cổ truyền làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa; Lễ hội đền Bà Triệu, huyện Hậu Lộc; Lễ hội đền Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân; Hát nhà trò Văn Trinh, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương; Lễ hội đền Độc Cước, thành phố Sầm Sơn...

(Phòng Tổng hợp - VPTU)